|
Ảnh minh họa. |
Khớp cùng - đòn là khớp giữa mỏm cùng của xương bả vai và đầu ngoài của xương đòn. Đầu ngoài xương đòn được giữ tại vị trí giải phẫu nhờ cấu trúc chính là dây chằng quạ - đòn. Dây chằng quạ - đòn là dây chằng nối giữa mỏm quạ của xương bả vai và đầu ngoài xương đòn, gồm 2 bó: Bó thang và bó nón.
Có nhiều phương pháp điều trị chấn thương trật khớp cùng - đòn gồm: Dán băng keo, mang đai số 8, mổ hở nắn cố định bằng kim Kirschner và chỉ thép hoặc nẹp móc, hoặc tái tạo dây chằng quạ - đòn bằng gân tự thân qua mổ hở. Tuy nhiên, các phương pháp này bóc tách, tàn phá mô mềm nhiều có thể gây dị cảm vùng vai của bệnh nhân sau mổ, hoặc bệnh nhân phải chịu thêm 1 cuộc mổ để lấy dụng cụ sau khi dây chằng quạ - đòn lành.
Hiện nay, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM đã áp dụng phương pháp nội soi tái tạo dây chằng quạ - đòn 2 bó cho các bệnh nhân mới bị chấn thương trật khớp cùng - đòn. Theo dõi sau mổ với thời gian tối thiểu 6 tháng, kết quả phục hồi chức năng gần như bình thường, người bệnh có thể sinh hoạt và lao động giống như trước khi bị chấn thương.