Những nàng ‘ế’ đang kẹt trong tuyệt vọng và chiếc ‘phao cứu sinh’ mong manh

Google News

Nhiều phụ nữ cập kê tuổi 30 ở Hong Kong (Trung Quốc) mắc kẹt trong cảm giác tuyệt vọng mỗi dịp Valentine đang tìm tới dịch vụ hẹn hò tốc độ với hy vọng thay đổi được tình hình.

5 năm qua, Mary, 30 tuổi, tìm tới dịch vụ hẹn hò tốc độ ở Hong Kong với hy vọng tìm được “nửa kia” nhưng tới giờ cô vẫn “lẻ bóng”.
Cô cảm thấy mất niềm tin trước xu hướng ngày càng có nhiều gái “ế” bởi nữ giới đông hơn nam và các yếu tố khác như tỷ lệ kết hôn giảm do giá nhà đất tăng cao và giờ làm việc kéo dài là trở ngại đối với những người độc thân khi muốn hẹn hò.
 Nhiều cô gái ở Hong Kong tìm tới dịch vụ hẹn hò tốc độ với hy vọng sớm tìm được “nửa kia”. Ảnh: SCMP
Ở Hong Kong, tỷ lệ chênh lệch giới tính ngày càng tăng, cứ 1.000 nữ/852 nam. Con số này một thập kỷ trước là 1.000 nữ/911 nam.
“Tôi chưa bao giờ thực sự có một mối quan hệ nghiêm túc, sống cùng nhà với một người đàn ông hoặc kết hôn”, Mary chia sẻ. “Tôi tìm hiểu về chuyện hẹn hò qua phim ảnh, nhưng không biết làm cách nào để khiến một chàng trai yêu mình. Người ta nói nữ giới Hong Kong nhiều hơn nam - sẽ như thế nào đây nếu tôi không thể tìm thấy người bạn đời của mình?”.
Mary là một trong nhiều phụ nữ trẻ ở Hong Kong đang gặp khó khăn trong việc tìm một nửa của mình. Dù mới 23 tuổi, Wendy So Shun-man cũng cảm thấy cần phải tham gia hẹn hò tốc độ để tìm kiếm mối quan hệ nghiêm túc. Sau khi dành hàng nghìn đô cho việc kiếm người yêu, Wendy sẽ kỷ niệm tròn 2 năm gặp nhau với bạn trai vào ngày 14/2 tới.
Nắm bắt được tâm lý lo lắng của những cô gái đang tìm kiếm tình yêu, những ông mai bà mối ở Hong Kong mở rộng ứng dụng hẹn hò trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Các nhà cung cấp dịch vụ hẹn hò tốc độ đưa ra mức phí 2.000 HKD (255 USD) cho cuộc hẹn đầu tiên. Vài tuần trước ngày lễ tình nhân năm nay, số lượng người đăng ký dịch vụ này đã vượt quá 20%.
Nỗi tuyệt vọng của những cô gái “ế”
 Hẹn hò tốc độ được coi là “cứu cánh” cho những cô gái “ế”. Ảnh minh họa: SCMP
Thời điểm khó khăn nhất với Mary có lẽ là năm ngoái, khi cô bước sang tuổi 30.
“Cảm giác thật nặng nề vào những dịp như Giáng sinh hay Valentine, khi cả thế giới này dường như đều có đôi có cặp. Nhưng tôi có thể đi đâu chứ? Các cô bạn tôi đều hẹn hò cũng người yêu hết rồi”, Mary chia sẻ. “Giờ đây bạn bè tôi đều đã kết hôn, một số thậm chí còn có con. Còn tôi vẫn độc thân. Tôi bắt đầu lo lắng về chuyện tìm bạn đời, tôi cũng sợ mình quá lớn tuổi để sinh con và nuôi dạy chúng”.
Cha mẹ của Mary cũng lo lắng tới mức từng đứng ra mai mối cho con gái với con trai của một người bạn. Buổi gặp đó có lẽ chỉ làm hài lòng các ông bố bà mẹ, còn với Mary và chàng trai kia thực sự là gượng ép.
“Thật quá kỳ quặc. Tôi đồng ý gặp mặt chỉ để khiến cha mẹ hài lòng. Rõ ràng anh kia cũng bị ép gặp”, Mary nói.
Là một người hướng nội và chẳng thể gặp được đối tượng thích hợp tại nơi làm việc, Mary quyết định tham gia dịch vụ hẹn hò tốc độ. Ngoài ra, cô cũng cố gắng mở rộng mối quan hệ xã hội bằng dự các lớp học thêm sau giờ làm việc. Cô cũng thử bạn trai qua các ứng dụng và trang web hẹn hò trực tuyến nổi tiếng.
Giống như nhiều trái tim cô đơn khác ở Hong Kong, hành trình tìm kiếm “nửa kia” của Mary vẫn đang tiếp diễn.
Các mối quan hệ “xuyên biên giới” ngày càng nhiều
Sự mất cân bằng giới tính khiến số lượng “gái ế”, một thuật ngữ mà Mary dùng miêu tả chính mình và những người 30 tuổi trở lên mà vẫn chưa có người yêu, ngày càng phổ biến.
Theo số liệu gần đây nhất từ báo cáo điều tra dân số, nam giới Hong Kong thường kết hôn lần đầu tiên ở tuổi 31, trong khi vào năm 1991, thanh niên 29 tuổi đã lấy vợ. Còn độ tuổi kết hôn của nữ giới bị đẩy lên 29 tuổi, so với 26 tuổi cách đây 25 năm.
Xu hướng này thúc đẩy nhiều phụ nữ ở Hong Kong tìm kiếm “nửa kia” ở đại lục. Năm 2016, khoảng 7.626 phụ nữ Hong Kong kết hôn với đàn ông Trung Quốc.
Annie Chan Hau-nung, Phó giáo sư Khoa Xã hội học và Chính sách Xã hội của Đại học Lingnan, nhận định ngày càng có nhiều phụ nữ Hong Kong kết hôn với nam giới Trung Quốc vì hoạt động kinh tế ở đặc khu hành chính này và đại lục gia tăng thời gian qua. Nhiều cặp đôi cũng gạt những khác biệt chính trị để tìm đến với nhau.
“Trước đây, phụ nữ Hong Kong ít có xu hướng kết hôn với nam giới Trung Quốc, nhưng những năm gần đây, sự khác biệt về văn hoá và kinh tế xã hội đã được thu hẹp“, Chan nói thêm.
Cái giá đắt
 Các chuyên gia về xã hội học cảnh báo việc nam - nữ kết hôn muộn kéo theo nhiều tác động tiêu cực. Ảnh minh họa: SCMP
Theo báo cáo tổng điều tra dân số năm 2015, mức sinh của Hong Kong giảm trong 33 năm qua. Trong năm 2014, chỉ 62.305 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hong Kong, thấp hơn con số , 86.751 ca sinh năm 1981. Khi tỷ suất sinh giảm, quy mô hộ gia đình trung bình đã giảm từ 3,0 năm 2006 xuống 2,8 vào năm ngoái.
Bà Chan cảnh báo chính quyền Hong Kong sẽ phải trả giá đắt về mặt xã hội nếu tình hình không được cải thiện sớm. “Điều gì xảy ra khi những người độc thân và các cặp vợ chồng không có con? Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ”, bà nói thêm.
Sandy To Sin-chi, giảng viên bán thời gian thuộc khoa Xã hội học của Đại học Hong Kong, cho rằng, chính quyền đặc khu hành chính cần có trách nhiệm cải thiện tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ thấp như hiện nay.
“Chính quyền đã không làm được gì nhiều“, ông To nói. “Những người càng lớn tuổi mới kết hôn sẽ dẫn tới chuyện số lượng trẻ em được sinh ra ít đi hoặc không có con, từ đó kéo theo tình trạng dân số già”.
Theo Trọng Hiếu/Saostar

>> xem thêm

Bình luận(0)