Chạy thận được coi là một phương pháp giúp điều trị bệnh thận khi chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng không còn khả năng bài tiết nước tiểu và lọc máu. Người đang bị suy thận giai đoạn cuối, lúc này chức năng của thận đã bị suy giảm từ 85 đến 90%, chạy thận chính là giải pháp giúp người bệnh giảm triệu chứng và phục hồi hoạt động của thận.
Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa, Trưởng Khoa Thận Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết những biến chứng thường gặp khi chạy thận nhân tạo là tụt huyết áp chiếm 20-30%, chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%). Khoảng 5% bệnh nhân nhức đầu, 2-5% đau ngực và một số ít ngứa, sốt ớn lạnh.
Tụt huyết áp
Hầu hết bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc buồn nôn khi xảy ra tụt huyết áp. Một số bị chuột rút. Số khác có thể có triệu chứng kín đáo, chỉ có thể thấy được bởi nhân viên y tế quen thuộc với bệnh nhân, chẳng hạn mất tỉnh táo, cảm giác tối sầm. Ở một số bệnh nhân, không có triệu chứng nào cho tới khi huyết áp giảm cực thấp, rất nguy hiểm.
|
Ảnh: Internet. |
Để tránh tụt huyết áp, bệnh nhân không để tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, lý tưởng là dưới một kg mỗi ngày. Nên hạn chế ăn muối vì ăn mặn sẽ gây khát nước, từ đó làm dư thừa cả muối lẫn nước và làm tăng cân nhanh và nhiều.
Những người hay tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo nên tránh uống thuốc huyết áp trước chạy thận.
Chuột rút
Nguyên nhân của chuột rút trong chạy thận nhân tạo hiện chưa rõ. Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Chuột rút thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau.
Phòng ngừa tụt huyết áp sẽ loại bỏ hầu hết chuột rút. Bài tập căng cơ, chương trình tập căng cơ dành cho nhóm cơ bị chuột rút có thể có ích.
Thiếu máu
Đây là một biến chứng thường gặp của suy thận và lọc máu. Thận không làm giảm sản xuất nội tiết tố erythropoietin, kích thích sự hình thành của các tế bào máu đỏ. Chế độ ăn uống hạn chế, kém hấp thu sắt, hoặc loại bỏ sắt và các vitamin bằng cách chạy thận nhân tạo cũng có thể đóng góp vào tình trạng thiếu máu. Mất máu từ chạy thận nhân tạo hoặc lấy mẫu máu định kỳ có thể có tác dụng tương tự.
Bệnh xương
Nếu thận bị hư hỏng không còn có thể thường sử dụng vitamin D để hấp thụ canxi, xương có thể suy yếu.
Huyết áp cao
Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Nếu tiêu thụ quá nhiều muối hoặc uống quá nhiều chất lỏng trong khi đang được điều trị suy thận, cao huyết áp có thể trở nên tồi tệ hơn - có thể mất một số chức năng thận còn lại. Nếu không điều trị, cao huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp. Đây cũng có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng.
Để phòng ngừa, cần tránh tụt huyết áp trong lúc chạy thận. Triệu chứng dai dẳng không liên quan đến huyết động có thể giảm khi dùng các thuốc chống ói.
Nhức đầu
Nguyên nhân nhức đầu thường chưa rõ. Ở bệnh nhân có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng của ngưng cà phê vì nồng độ cà phê giảm cấp tính trong lúc chạy thận. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, có thể xem xét nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông.
Đau ngực và đau lưng
Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, thường ít nhiều có đau lưng kèm theo hiện không rõ nguyên nhân, không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu.
Ngứa
Ngứa đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận. Ngứa cũng có thể do viêm gan siêu vi hoặc do thuốc.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra ở nơi mà máu rời khỏi cơ thể được lọc và sau đó lại đi vào.
Hội chứng mất quân bình
Biến chứng trong chạy thận này thường xuất hiện trên các đối tượng BUN (chỉ số sinh hóa máu) cao, người lớn tuổi, có tổn thương não trước đó, nhiễm toan chuyển hóa nặng…
|
Ảnh: Internet. |
Bệnh nhân cần chú ý những triệu chứng điển hình: Nhức đầu, buồn nôn, bứt rứt, không yên, huyết áp cao, mất định hướng, động kinh, hôn mê, có thể tử vong.
Ở các thể biến chứng nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định ngưng lọc máu, chống động kinh và giữ thông đường thở, thở máy.
Ngoài ra, có một số biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng như hội chứng mất cân bằng thẩm thấu, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí.
Các biến chứng liên quan đến kỹ thuật
Phải kể đến các biến chứng do kỹ thuật gây ra như chứng tán huyết, thuyên tắc khí, phản ứng của màng lọc…
Nguyên nhân có thể xem xét đến: Đường dây máu ngoài cơ thể bị vặn, xoắn, gấp…; bơm máu được cân chỉnh không chính xác hoặc hoạt động kém; áp lực âm quá mạnh trong hệ thống dây máu; tắc nghẽn trong bơm máu; khí vào máu theo đường máu về, hoặc catheter trung tâm; không trang bị cảm biến phát hiện khí; người bệnh hít vào khi CVC đang mở ra không khí…
Các kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ… trực tiếp xử lý các trường hợp này.
Nếu bệnh nhân thấy các triệu chứng sau, cần báo với nhân viên y tế: Khó thở; cảm giác nóng/bỏng rát ở vị trí đường mạch máu hoặc khắp cơ thể; phù mạch; đau lưng, nặng ngực, thở nông, mệt, buồn nôn, nhức đầu, hạ huyết áp, thiếu máu cấp, tăng kali máu…
Ngoài ra, các biến chứng khác như đau ngực, đau lưng, nhức đầu… cũng khá thường gặp khi lọc thận. Tuy nhiên, cần báo với bác sĩ điều trị vì đây có thể là triệu chứng của các biến chứng khác khi chạy thận như tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim…