“Suốt 1 tháng con chỉ ngủ, dậy là khóc ngằn ngặt. 3 tháng tuổi con chưa một lần nhìn mẹ. Lòng mẹ mơ hồ một nỗi lo lắng, sợ con gặp chuyện chẳng lành.
Mẹ quyết định đưa con đi bệnh viện chụp chiếu, thông báo của bác sĩ khiến mẹ rụng rời chân tay: “Cháu bị khuyết não”.
Khi ấy nước mắt mẹ trào ra, nghẹn ngào. Con mẹ bé bỏng, đáng yêu đến nhường nào? Sao chuyện đó lại xảy ra với con? Mẹ chỉ mong phép màu sẽ đến, bác sĩ chẩn đoán sai… Nhưng nghiệt ngã quá con ơi! Mẹ đau đớn không nguôi khi biết đó là sự thật”.
Trên đây là những dòng nhật ký đẫm nước mắt mà chị Ngô Thị Sinh (SN 1975, quê Sóc Sơn, Hà Nội) viết cho đứa con đầu tiên mình nhận nuôi.
“Ôm con vào viện, tôi mong phép màu sẽ đến”
17 năm gắn bó với Làng trẻ SOS Hà Nội, chị Sinh đã dành cả thanh xuân để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Suốt cuộc trò chuyện, mắt chị ánh lên niềm vui khi nhắc đến 7 đứa con mình đang nuôi dưỡng.
|
Các con đi học về, giúp mẹ Sinh chuẩn bị cơm trưa. |
Mỗi đứa trẻ trong ngôi nhà đó đều có một số phận riêng, chúng có thể mạnh mẽ đối diện với cuộc đời nhưng rất nhạy cảm khi nhắc đến hoàn cảnh của bản thân.
Bởi vậy, điều chị lo lắng không chỉ đơn giản là bữa ăn, giấc ngủ mà còn là sự phát triển nhân cách, cảm xúc của các con.
Đôi lần chị chạy ra ngoài, giấu dòng nước mắt sau khi trách phạt các con. Chị mắng nhưng lòng lại dấy lên niềm xót xa vô bờ vì thương mấy đứa trẻ nhỏ dại. Hạnh phúc của chị giờ đây là chứng kiến các con ngoan ngoãn, trưởng thành.
|
Người phụ nữ nhân hậu bên ngôi nhà mang tên Hoa Phượng của làng trẻ SOS Hà Nội. |
Tuy nhiên, khoảng lặng mà chị luôn giữ chặt trong lòng là đứa con đầu tiên chị nhận nuôi. Ngược dòng quá khứ, chị Sinh vẫn nhớ như in ngày hôm đó, mọi người xôn xao về đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trước cổng làng.
Khoảnh khắc thấy bé sơ sinh khoảng 4 ngày tuổi, lòng chị bỗng xốn xang khó tả. Bản năng mẫu tử trào dâng, hối thúc chị ôm đứa bé vào lòng.
Chị thuyết phục ban lãnh đạo cho mình làm thủ tục pháp lý nhận cháu làm con nuôi. Trong giấy khai sinh, cháu mang họ chị.
Chị viết: “Mắt mẹ đỏ hoe, trái tim như vỡ òa khi ôm con. Đó có lẽ là giây phút vui sướng nhất đời mẹ”.
Người phụ nữ đó bao bọc đứa trẻ đó bằng trái tim nhân hậu của mình. Chị đâu ngờ, bi kịch xảy đến. Cháu bé được 3 tháng tuổi chị nhận thấy cháu có nhiều dấu hiệu bất thường. Cả ngày chị Sinh bế con trên tay, vì rời vòng tay mẹ là con khóc đến tím tái người.
Chị trút nỗi lòng vào từng trang nhật ký: “Mẹ đưa con vào viện khám. Nhìn bác sĩ thở dài, trái tim mẹ thắt lại, đau nhói. Nghe bác sĩ nói con không có não, tai mẹ như ù đi”.
Không muốn từ bỏ, chị tiếp tục bế con lên bệnh viện tuyến trên, chụp cộng hưởng từ, với hi vọng mong manh rằng bác sĩ chẩn đoán nhầm. Nhưng kết quả cuối cùng khiến chị gần như ngã quỵ.
Giọng đượm buồn, người phụ nữ này kể tiếp: “Ôm con về làng, tôi nghĩ sao số phận con bé cùng cực quá. Vừa ra đời đã bị bỏ rơi, giờ mắc trọng bệnh. Mình không dứt ruột đẻ ra nhưng xót xa lắm”.
Sau đó, cháu bé được chuyển đến một trung tâm bảo trợ khác để theo dõi. Từ ngày con đi, thi thoảng chị Sinh lên thăm. Chứng kiến tay chân con co quắp, nước mắt chị chảy dài trên gò má.
“Các cô trên đó bảo con cả ngày nằm không nhận ra ai nhưng hễ mẹ Sinh lên là cháu ngủ ngon giấc, bớt quấy khóc hơn”, chị nói.
Cháu bé sống đến năm 3 tuổi thì qua đời. Trước ngày con mất, chị nóng ruột bắt xe thăm con.
Điều dưỡng thông báo sức khỏe bé yếu dần, bỏ ăn uống, chẳng biết cầm cự đến bao giờ. Chị lặng lẽ trò chuyện với con rồi ra về.
Vài ngày sau, chị bàng hoàng nghe tin con đi… Nhiều năm trôi qua nhưng ký ức về con vẫn luôn khiến chị xót xa mỗi khi nhớ tới.
Hạnh phúc trọn vẹn...
Chị Sinh cho biết thêm, ngoài bé gái đó, chị từng đón một bé trai có hoàn cảnh đáng thương. Mẹ bé còn khá trẻ, khoảng 17, 18 tuổi.
Cô gái nông nổi, vướng lưới tình của người đàn ông đã có gia đình. Ông ta hứa hẹn nếu cô đẻ con trai sẽ đón và lo lắng cho hai mẹ con. Thế nhưng, ngày đứa bé chào đời cũng là lúc ông ta lạnh lùng bỏ rơi họ.
Người mẹ trong cơn quẫn trí, mang đứa trẻ đến làng, bí mật để ngoài cổng. May mắn có người phát hiện, mang vào trong đưa chị chăm sóc.
Nhưng được 10 ngày, người mẹ đó day dứt lương tâm, đến xin lại con. Dù lưu luyến đứa trẻ nhưng chị cảm thấy mãn nguyện khi con đoàn tụ với mẹ đẻ.
"Trong số 7 đứa con tôi chăm sóc, thì 6 cháu có nhân thân rõ ràng nhưng vì lý do nào đó mà gia đình không nuôi dưỡng được nên đưa vào làng.
Các gia đình trong làng SOS có vai trò như một gia đình thay thế, tạo cho trẻ môi trường phát triển toàn diện.
Chỉ duy nhất bé gái út năm nay vào lớp một là trường hợp bị bỏ rơi từ lúc mới đẻ. Tôi cho cháu mang họ mình. Con bé quấn mẹ, lém lỉnh ra trò", chị Sinh mỉm cười khoe.