Lúc vào viện em đã qua cơn chóng mặt, hoàn toàn tỉnh táo. Mình khám xong rồi nói sẽ cho em dùng thuốc, làm một số xét nghiệm và nằm theo dõi, em nhất định từ chối điều trị với lý do: "Em ổn! Hai đứa này bắt em vào cấp cứu bằng được chứ em đâu có cần? Cuộc sống của em! Em tự quyết định!".
|
Ảnh minh họa. |
Hai bạn em đều là những đứa bạn rất tốt, chúng nó kể em đang có mâu thuẫn với gia đình, áp lực nhiều trong cuộc sống nên mang trong lòng cái suy nghĩ tiêu cực rằng có khi bệnh vậy rồi chết còn hơn. Hai đứa xin phép mình cho ít thời gian để thuyết phục em. Trong khi ấy mình ngồi viết sẵn hồ sơ và tờ điều trị.
Lúc sau, bệnh vãn, mấy đứa vẫn loay hoay tranh cãi ở bên ngoài, mình tranh thủ ra gọi cả ba đứa đi theo. Mình dẫn tụi nó lên khoa nội, đến phòng chăm sóc đặc biệt, để chúng nó nhìn vào một lúc rồi quay ra nói với cô bé:
- Đây là phòng chăm sóc đặc biệt, nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất. Có người khó thở chỉ mong được hít thở bình thường lại như bao người. Có người tai biến nằm liệt một chỗ chỉ mong có thể tự lo đi tiểu, đi đại tiện bình thường như bao người. Có người đái tháo đường biến chứng tùm lum cả phải kiêng khem nghiêm ngặt, chỉ mong có thể được ăn uống bình thường như bao người.
Anh thấy là em vẫn còn có thể hít thở được bình thường, ăn uống bình thường, có thể tự vệ sinh cá nhân, là ước mơ của bao người nằm trong đó. Đúng là cuộc sống của em, em tự quyết định. Anh chỉ muốn em thấy có những lựa chọn có thể giúp mình cảm thấy thoải mái ngay lúc này nhưng sẽ để lại nhiều trăn trở cho những người ở lại...
Em ngắt lời mình:
- Nhưng họ đâu có sống thay được cuộc sống của em? Nỗi đau nào rồi cũng qua cả thôi. Em nghĩ họ hiểu!
Mình vẫn tiếp tục:
- Cũng có những lựa chọn khiến em không thoải mái lúc này, nhưng hãy nghĩ đến những điều tuyệt vời và tốt đẹp hơn em có thể làm được, chưa cần phải vì bất cứ ai, mà cho cuộc đời của chính em, nếu em tiếp tục được sống, một cách khoẻ mạnh.
Cô bé sau đó đồng ý điều trị, nhưng có vẻ chưa thoải mái lắm. Huyết áp trước khi cho em về đã trở lại trị số bình thường. Mình có kê toa và dặn dò em nên đi khám lại bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cũng không biết em có nghe theo nhưng đó là tất cả những gì mình có thể làm được cho em khi ấy trong khả năng của mình.
Bỗng mình nhớ đôi mắt đầy ám ảnh của chị bác sĩ chuyên khoa tâm thần cái lần gặp mình đầy thổn thức. Bệnh nhân trầm cảm theo chị 2 năm điều trị đã có thể quay trở lại cuộc sống, đi làm, đi chơi như bao người, một ngày quyết định uống thuốc ngủ tự tử sau khi chứng kiến cảnh người bán hàng xích lại, đánh rất đau một con chó vì nó không nghe lời.
Bệnh nhân đã không qua khỏi và ánh mắt chị từ ấy cũng mang một màu buồn hơn dù chị vẫn tiếp tục miệt mài với những người bệnh khác. Thật sự có những lựa chọn của bản thân chúng ta sẽ để lại những tổn thương sâu sắc cho nhiều người mà ta chẳng bao giờ hiểu thấu được bởi khi ấy ta đâu có thể nhìn ra được điều gì khác ngoài nỗi đau của chính ta đâu?
Đôi khi đứng trước những điều dở khóc dở cười của cuộc đời, điều khó khăn nhất không phải là mình không thể tìm được ai đó để sẻ chia. Khó khăn nhất là không thể tự an ủi, vỗ về cho những nỗi niềm riêng của chính mình.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):