Sự việc hy hữu xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc. Anh Trương, 28 tuổi, mới đây tụ tập với các bạn học cũ của mình. Trong bữa liên hoan ăn uống, anh Trương uống rượu, cười đùa rất nhiều. Nào ngờ, trong lúc thoải mái cười to, chuyện vui quá lại hoá buồn, anh Trương không khép được miệng, hàm như rơi xuống, thực sự giống với câu nói "cười rớt hàm".
Không còn cách nào khác, anh Trương đành đến bệnh viện khám chữa, khiến bác sĩ không khỏi giật mình ngạc nhiên.
Theo bác sĩ Nguyễn Dịch Văn, bác sĩ Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Trung tâm Quận Phụng Hiền, thành phố Thượng Hải, một số người ngáp hoặc hắt hơi cũng không thể ngậm miệng lại được. Dù không phải bệnh tật nghiêm trọng nhưng tình trạng này rất xấu hổ, khiến bệnh nhân ngượng ngùng.
|
Ảnh minh hoạ. |
Trên thực tế, khớp mở và đóng miệng của chúng ta được gọi là khớp thái dương hàm. Trật khớp chỉ là một số ít triệu chứng, còn rất nhiều biểu hiện phổ biến của khớp thái dương hàm như đau nhức, kêu lục cục, rối loạn vận động, v.v. Nói chung, rối loạn khớp có nhiều khả năng xảy ra ở người trẻ tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tư vấn y tế cao nhất ở độ tuổi 20-30.
Hiện nay, trên lâm sàng rối loạn khớp thái dương hàm thường không thể điều trị theo nguyên nhân mà phải điều trị triệu chứng, bởi nguyên nhân gây ra các bệnh về khớp rất phức tạp và chưa được làm sáng tỏ.
Nói chung, các yếu tố tinh thần như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng, các vấn đề tự miễn dịch, tải trọng khớp không đúng cách, thói quen khớp cắn xấu trong thời gian dài có thể gây ra bệnh.
Nếu đột nhiên có các triệu chứng trên, thường không cần phẫu thuật. Cụ thể, khi các triệu chứng của bệnh nhân tương đối nhẹ và không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thì chỉ cần theo dõi và điều trị bảo tồn, chú ý nhiều hơn đến việc duy trì các khớp và tránh các động tác há miệng rộng.
Chú ý, giữ ấm khi ra ngoài vào ngày lạnh, nên quàng khăn hoặc bịt tai để bảo vệ vùng khớp trước tai, khi ở nhà có thể dùng khăn nóng để chườm nóng cục bộ, nếu có điều kiện cũng có thể đến cơ sở y tế chuyên nghiệp để điều trị nhiệt cục bộ.
Nếu có khớp cắn xấu rõ ràng, chẳng hạn như răng lệch lạc nghiêm trọng, hoặc đặc biệt thích nhai và ăn một bên, thì tốt nhất nên cải thiện nó thông qua điều trị như điều chỉnh chỉnh nha. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng như không thể mở và ngậm miệng, có thể điều trị thêm bằng cách tiêm nội khớp hoặc phẫu thuật.
Nói một cách đơn giản, rối loạn khớp thái dương hàm cần tuân thủ nguyên tắc điều trị "bảo tồn trước, xâm lấn sau, bị lại thì phẫu thuật".