Theo USA Today, trường hợp này do Công ty Nghiên cứu Di truyền học Helix, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Trung tâm Y tế Đại học Washington, Công ty thử nghiệm Thermo Fisher Scientific, phát hiện.
Các chuyên gia tìm thấy ca bệnh trên sau khi giải trình tự gene của 29.719 mẫu bệnh phẩm dương tính từ ngày 22/11/2021 đến 13/2 tại Mỹ. Họ phát hiện 2 ca nhiễm các phiên bản khác nhau của Deltacron. Ngoài ra, 20 trường hợp khác nhiễm cả Delta và Omicron cùng lúc.
Đặc biệt, một F0 nhiễm cùng lúc 3 chủng Delta, Omicron và Deltacon. Tuy nhiên, thông tin về ca bệnh này chưa được tiết lộ. Deltacron là phiên bản lai giữa Omicron và Delta.
Trong khi đó, biến chủng lai cũng được xác định đang lây lan ở các nước châu Âu, khiến nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo.
Theo Reuters, trong một bài báo được đăng tải trên medRxiv và chờ phản biện, GS Philippe Colson, Viện Nghiên cứu IHU Mediterranee Infection, ở Pháp, mô tả 3 bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản nCoV kết hợp protein gai từ Omicron và “xương sống” Delta.
Nhóm tác giả cho hay hiện tại số lượng ca nhiễm biến chủng lai quá ít. Do đó, còn quá sớm để giới chuyên gia đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào về Deltacron.
Ngoài ra, trên cơ sở dữ liệu theo dõi nCoV toàn cầu, các nhóm chuyên gia khác cũng báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu từ tháng 1. Tất cả đều có protein gai của Omicron và "xương sống" Delta.
Quá trình tái tổ hợp di truyền của nCoV ở người xảy ra khi hai biến chủng cùng vào một vật chủ.
GS Colson cho biết: “Trong đại dịch COVID-19, 2 hoặc nhiều biến chủng có thể cùng lây lan trong một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho hai biến chủng kết hợp lại”.
Vị chuyên gia cũng tiết lộ nhóm của ông đã thiết kế thử nghiệm rRT-PCR mới để có thể nhanh chóng kiểm tra các mẫu dương tính với sự hiện diện của biến chủng lai.
Trong khi đó, theo USA Today, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng lai Deltacron đã được phát hiện ở Mỹ, châu Âu và đang lây lan ở Hà Lan, Pháp, Đan Mạch. Song, số lượng ca nhiễm Deltacron vẫn ở mức thấp, ngay cả ở những nước đã phát hiện các trường hợp lây từ người sang người.
|
Deltacron là biến chủng lai giữa Delta và Omicron. Các nhà khoa học chưa thể xác định độc tính hay khả năng lây lan của nó vì số ca nhiễm rất ít. Ảnh: Reuters.
|
Thế giới lần đầu tiên được cảnh báo về Deltacron vào đầu tháng 1. Theo Bloomberg, người phát hiện ra biến chủng này là Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis, Đại học Cyprus, Cộng hòa Cyprus.
Ngày 7/1, ông đăng tải 52 mẫu giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu GISAID - nơi các chuyên gia trên toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Vị chuyên gia từ Cyprus gọi chúng là “Deltacron” vì những dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta.
Theo nghiên cứu từ GS Kostrikis, họ đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.
Vị chuyên gia cho biết tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, họ đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Họ cũng nhấn mạnh còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.
“Những ca mắc được phát hiện cho thấy một chủng gốc đã gặp áp lực tiến hóa để đạt được những đột biến này và đây không phải là kết quả của một sự kiện tái tổ hợp duy nhất”, GS Kostrikis khẳng định.
Ngày 13/2, theo Fox News, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết giới chức nước này đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron. Nó còn được gọi với cái tên Deltacron. Biến chủng mới xuất hiện trên bệnh nhân nhiễm cả hai chủng Omicron và Delta cùng lúc. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ việc xuất hiện biến chủng mới xảy ra đầu tiên tại Anh hay quốc gia nào khác trước đó rồi lan tới nước này.
Bên cạnh thông báo chính thức giám sát Deltacron, Cơ quan An ninh Y tế Anh không đưa ra cảnh báo nào khác. Nhìn chung, giới chức y tế nước này không đặc biệt quan ngại về biến chủng lai vì số ca nhiễm chưa nhiều.