Chị Quỳnh Trang (ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đều đặn hàng tuần, chị cho bé Su (2 tháng tuổi) đi bơi nổi. Mỗi lần đi bơi, bé trông ngộ nghĩnh với chiếc phao ở cổ giúp phần đầu nổi trên mặt nước, phần phía dưới được tự do vận động.
Con gái chị sinh thiếu tháng, còi, và hay quấy khóc. Đặc biệt, sau 5 buổi, hiện bé đã ăn tốt hơn, tăng cân, có những giấc ngủ sâu. Nhìn con thoải mái đạp chân tay dưới nước, chị rất vui.
Chị Thanh Xuân (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cũng chia sẻ nhờ những buổi tập bơi nổi, cánh tay phải của con chị vốn bị di chứng sau đợt xuất huyết não đã vận động khỏe mạnh trở lại. Bé có thể cầm đồ vật chắc hơn trước.
|
Baby float là thủy liệu pháp rất tốt cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Mercury Press & Media.
|
Chị Vũ Minh Nguyệt (chuyên gia về baby float - bơi nổi) cho biết trẻ nhỏ rất thích được thư giãn trong nước. Nhiều phụ huynh ngần ngại không cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với nước. Trong khi đó, vận động trong nước được khoa học chứng minh có thể giúp bé tăng cường sức mạnh hệ cơ và xương, tạo tiền đề kiểm soát các vận động sau này như lật, bò, đi… Áp lực nước lên lồng ngực trẻ khi bơi còn giúp tăng cường hệ hô hấp, cải thiện lưu lượng máu và hệ tim mạch đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.
Theo chuyên gia Nguyệt, bé có thể bắt đầu bơi nổi từ 5 tuần tuổi và đạt từ 5 kg trở lên.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, thân nhiệt bình thường của trẻ nhỏ là 36,5-37,4 độ C, khả năng điều hòa thân nhiệt của các bé còn kém nên nhiệt độ nước cần gần với nhiệt độ cơ thể (nhiệt độ bể bơi của người lớn là 25-27 độ C). Bơi nổi là một thủy liệu pháp với trẻ sơ sinh, đòi hỏi những tiêu chuẩn khá khắt khe về chất lượng nước, nhiệt độ, bể bơi… Do đó, khi cho con bơi nổi, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn trung tâm uy tín để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo các bác sĩ, trẻ mắc hội chứng down, gặp bất thường về não và tủy sống, rối loạn vận động, bại não được khuyến nghị nên sớm tập bơi nổi để cải thiện tình hình bệnh.