Thật không ngờ, có ngày, anh lại đánh chị trước mặt mẹ chồng trong lúc chị đang đồng tình với anh.
Lấy nhau đã gần 10 năm sinh sống, chị H tự cho mình là người vợ hạnh phúc. Trừ những mẫu thuẫn nho nhỏ trong đời sống gia đình và những bất hòa xung quanh chuyện mẹ chồng, nàng dâu, chồng chị lúc nào cũng ân cần, chu đáo, chăm sóc chị và các con. Rõ ràng, điều này xuất phát từ tình yêu 4 năm trước khi cưới và sự tôn trọng của cả hai vợ chồng với nhau.
Chỉ có mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là ngày càng thêm khó dung hòa. Hai vợ chồng chị là công nhân viên chức, lại có chút địa vị, nên việc chi tiêu trong gia đình khá thoải mái. Nhưng mẹ chồng chị không nghĩ thế. Bà luôn tiết kiệm khiến chị phát sợ. Chị hiểu mẹ chồng chị, chồng mất sớm, bà tần tảo một mình nuôi con trưởng thành, thì việc tiết kiệm đối với bà là cần thiết. Nhưng giờ đây, khi cuộc sống đã khá hơn, vợ chồng chị, các con cái của bà đều thành đạt, cớ sao bà phải sống tiết kiệm và phải tự làm khổ mình?
Cứ mỗi lần đến chuyện quá tiết kiệm của bà cũng đủ làm chị phát sợ. Một vài thìa sữa còn thừa của cháu bà cũng bỏ tủ lạnh để lần sau bà cho cháu uống tiếp. Trong nhà, góc nào cũng là đồ bà tích trữ, từ những chiếc áo cũ, những chiếc áo mặc đã chật hay thậm chí là những miếng lá chuối cũng đều được bà cất giữ vì “thể nào cũng dùng đến". Nếu chị bận, không đi chợ được thì bà sẽ tranh đi chợ, và mua về những con tôm, con cá đã ngã nước, những miếng thịt mũi bèo nhèo vì giá rẻ mà “ăn cũng được, mua đồ tươi sống, những miếng thịt vuông vắn làm gì. Chỉ mất tiền hình thức”- Bà giải thích.
Nhiều lần, chị nói với anh, nhưng anh bảo: “Em phải thông cảm cho mẹ, mẹ già rồi, và cũng rất khổ sở để nuôi anh em anh. Sao giờ có thể nói mẹ được?”. Ừ thì chị nghĩ cũng đúng, thông cảm cho bà, cũng là cách để chị nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống này. Hơn nữa, chị hiểu, chồng chị rất yêu thương và tôn trọng mẹ, nên chị cũng không muốn làm anh thêm căng thẳng.
Hôm ấy, hai vợ chồng chị vừa đi làm về, mới đến đầu ngõ, chị đã nghe tiếng đứa con gái út của chị khóc váng trời. Vào nhà, chị và chồng thấy bà vừa luống cuống lau những vết nôn của con bé lên khắp sàn nhà, con bé thì vừa lăn lộn kêu đau bụng, vừa khóc toáng lên. Thì ra, vì bát cháo cua biển chị nấu cho con từ hôm trước chị đã dặn bà ăn cùng cháu, đừng để qua ngày. Nhưng vì tiếc tiền, mẹ chồng chị không dám ăn và lại để vào tủ lạnh, hôm sau mới lấy cho cháu ăn. Con chị vì thế mà bị ngộ độc thực phẩm. Nhìn con bé uể oải, nôn những mật xanh mật vàng, chị vừa thương con, vừa bực mẹ chồng. Nhẽ nào vì sự tiết kiệm đến mức bần tiện của mẹ có thể khiến con chị ra nông nỗi này?
Chị bế con vào ngồi ghế trong bàn ăn, bực bội ra mặt. Trong khi chị đang rót nước pha với đường gluco cho con uống, thì anh cũng bước vào, nhìn cảnh đứa con mềm oặt, nôn thốc nôn tháo, anh cũng bực không kém. Lần đầu tiên, chị thấy anh quát mẹ mình: “Mẹ làm gì thế này, sao mẹ làm khổ cháu thế hả. Mẹ cho cháu ăn cái gì thế này? Mẹ đừng có sống bần tiện như thế này được không, khổ con khổ cháu lắm!” Trong lúc mẹ chồng chị còn sững sờ, thì chị bồi thêm: “Đấy, anh xem, tủ lạnh lúc nào cũng đầy đồ ăn thừa, đồ đạc từ chổi cùn mẹ cũng cất hết. Nhà này từ con người đến phòng ốc đều mai kia thành cái thùng nước gạo với cái bãi rác thôi”.
|
Ảnh minh họa. |
Vừa dứt lời, tai chị như ù đi, mặt chị tối sầm lại - một cú tát như trời giáng của anh đã khiến chị u mê. Thật không ngờ, sau từng nấy năm sinh sống, chị lại bị tát trước mặt mẹ chồng.
Chị cố gắng kìm chế, nhưng nước mắt cứ lã chã, còn anh cũng không tin vào tay mình nữa, khuôn mặt anh thật hằn học và cũng thật khổ sở. Chị lặng lẽ chăm con. Cũng may, con bé chỉ ngộ độc thể nhẹ, hôm sau, chị cho con đến nhà ngoại, rồi gặp một vài người bạn khiến chị càng thêm rối bời. Có người bạn còn khuyên chị: “Cẩn thận nó có người ngoài rồi, không thì sao nó đối xử tệ thế với mày được”.
Cuối cùng, như mọi lần, những lúc khó khăn, trắc trở nhất, chị lại tìm đến người thầy giáo già của chị. Đó là một người hiểu chuyện và luôn khuyên nhủ chị mọi điều trong cuộc sống. Nghe chuyện và nhìn đôi mắt sưng đỏ vì đau khổ của chị, thầy nói: “Giờ con muốn gì? Muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này hay chia lìa theo cách của con. Nếu con muốn tiếp tục, hãy cảm thông với chồng. Trong người đàn ông, mẹ họ luôn chiếm vị trí số 1. Nhưng thầy biết, chồng con cũng rất đau khổ khi bạt tai con và đừng đẩy nó quá xa con nữa”. Chị bừng tỉnh, nhớ lại khuôn mặt đau quặn của chồng sau cái tát của chồng.
Chị cảm ơn thầy, cầm điện và nhắn tin cho chồng: “Em đã đi chợ mua một vài món anh và mẹ thích. Chiều 6h anh về ăn cơm”. “Ok”- tin nhắn của chồng gần như ngay lập tức.
Chiều, anh về sớm hơn thường lệ, dù không tự nhiên như mọi ngày, anh vẫn xoắn xít giúp vợ dọn dẹp, nấu cơm. Xong xuôi, chị gọi anh vào và nói: “ Em đã nghĩ rồi, cái tát hôm qua của anh là đúng. Em là con cái trong nhà, nhẽ ra không nên đổ thêm dầu vào lửa. Em thật không phải với mẹ, với anh”. Chồng chị ngạc nhiên, rồi xúc động, ôm chị vào lòng, ríu rít nói lời xin lỗi. Chị tiếp: “ Nhưng em cũng cần mẹ và anh rút kinh nghiệm, thôi bây giờ anh và em ra gặp mẹ, cho em xin lỗi mẹ”.
Mẹ chồng chị tiết kiệm, nhưng thật thà, chất phác, khi nghe con dâu nhận lỗi, bà xúc động đến nỗi cứ ôm chặt lấy tay chị và nói: “Lỗi tại mẹ, con nói phải, mẹ cũng ân hận lắm, may mà cháu mẹ không sao”.
Đến giờ này, mẹ chồng chị đã chịu khó chi tiêu hơn cho những nhu cầu tối thiểu, vợ chồng chị thương yêu, hiểu nhau hơn. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm buồn này, chị vẫn không sao quên được lời nhắc nhủ của người thầy: Người được thông cảm, sẽ dễ dàng làm nên điều kì diệu.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):