Mẹ chồng gọi sang rồi bắt ngủ lại, nửa đêm lén về tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng ở nhà mình
Thời gian đầu khi lấy chồng Hàn, chị Ninh Thanh (28 tuổi) đã rất sợ chuyện làm dâu xứ sở kim chi. Một phần vì xem phim Hàn thấy mẹ chồng khó tính, phần nữa là chị sợ môi trường văn hóa, phong tục của 2 đất nước khác nhau.
Đến nay, gần 2 năm làm dâu, mọi nỗi sợ ban đầu ấy của chị đều tan biến hết. Cuộc sống hiện nay của chị đơn giản ở nhà nội trợ, chăm con và hàng ngày chuẩn bị những bữa cơm cho ông xã trước khi đi làm.
Vợ chồng chị Thanh và bố mẹ chồng.
Chị Thanh và anh Choi GyeHoon (38 tuổi) kết hôn vào năm 2018. Hiện nay, tổ ấm nhỏ của chị đang tràn đầy niềm vui với sự xuất hiện của thiên thần nhí chào đời vào tháng 2 vừa qua.
Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình, chị Thanh lại cười bởi chị đi du lịch Hàn Quốc thôi mà "vợt" được chồng. Chị Thanh kể, năm 2017 chị có chuyến du lịch Hàn Quốc lần đầu tiên vào tháng 4 mùa hoa anh đào. Vì yêu thích mùa thu lá đỏ mộng mơ ở đó mà chị du lịch đến đây 2 lần trong cùng một năm và có cơ duyên gặp gỡ anh Choi. Thế nhưng, cả 2 chỉ dừng lại ở mức bạn bè, đến khi chị về Việt Nam, anh Choi mới mạnh dạn tỏ tình và từ đó cả 2 cứ nhắn tin, gọi video hàng ngày cho nhau.
Đến đúng mùa xuân tháng 4/2018 chị chính thức nhận lời yêu và đến Hàn Quốc lần thứ 3 để gặp anh, chấp nhận lời cầu hôn của anh.
"Trước khi đến Hàn Quốc lần đó mình có trêu ông xã là muốn yêu và lấy mình làm vợ thì anh phải có hoa, nhẫn để cầu hôn đó. Vậy là đêm hôm đó mình bay sang Hàn, ông xã cũng ra sân bay đón từ buổi tối, thức cả đêm ngồi sân bay đợi mình đến sáng để đưa về nhà luôn.
Lúc đó, bố chồng mình đi làm cuối tuần mới về, nhà chỉ có anh và mẹ. Biết mình sang, mẹ đã chuẩn bị sẵn cơm bữa sáng và chuẩn bị sẵn phòng cho mình ở thời gian bên Hàn. Mình rất vui mừng và bất ngờ vì được chào đón như thế", chị Thanh nhớ lại lần đầu tiên đến nhà chồng.
Bố mẹ chồng tại đám cưới Việt Nam.
Chị Thanh tâm sự, dù khác văn hóa, phong tục nhưng bố mẹ chồng rất quan tâm chị. Ngay trong lễ cưới tại Việt Nam, bố chồng chị đã phát biểu trước toàn thể gia đình và những người có mặt rằng, ông sẽ tạo điều kiện để giúp đỡ chị trở thành người phụ nữ chủ chốt trong gia đình và sẽ đối xử với chị như con gái của họ.
"Tôi chỉ có một người con trai duy nhất, tôi chắc chỉ sống được khoảng 20 năm nữa thôi và trong thời gian đấy, gia đình chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho Thanh trở thành người phụ nữ chủ chốt trong gia đình, cũng như trong tương lai vì có thể con sẽ sinh cháu trong thời gian sớm nhất.
Gia đình sẽ đối xử với con như một người con gái mặc dù là con dâu. Từ trước đến nay tôi chỉ có một người con trai duy nhất, cũng không có con gái, cho nên dù là con dâu, tôi cũng coi và đối xử như một người con gái trong gia đình, sẽ dành hết sự yêu thương của cha mẹ cho con gái vậy" – bố chồng chị phát biểu.
Đúng như những lời phát biểu đó, sau khi kết hôn, bố mẹ chồng dành tất cả tình yêu thương cho chị Thanh. Ngày mới sang Hàn thời tiết lạnh, chồng bận đi làm nên bố mẹ chồng chính là người đưa chị đi mua sắm từ đôi tất, bộ quần áo mùa đông đến những bộ mỹ phẩm dưỡng da. Tất cả đều do một tay bố mẹ chọn lựa và mua cho chị.
Bố mẹ chồng luôn quan tâm, yêu thương chị.
Phong tục làm dâu ở Hàn khác Việt Nam, đặc biệt làm dâu xứ sở kim chi, chị Thanh đã gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, chị luôn yên tâm vì có bố mẹ chồng ở bên cạnh giúp đỡ.
Chị Thanh cho biết, sang làm dâu Hàn có 2 điều đầu tiên chị phải học đó là học ăn kim chi và học tiếng Hàn. Có thể nói, học ăn kim chi là khó khăn đầu tiên của chị và chị phải tập dần dần bởi không biết ăn cay. Trong khi đó bố mẹ chồng chị luôn nhắc nhở "Không biết ăn kim chi thì không phải người Hàn Quốc".
Tiếp đó, chị phải học tiếng Hàn để có thể giao tiếp, nói chuyện với mọi người, đặc biệt là mẹ chồng. Đây cũng là vấn đề rất lớn của chị khi làm dâu Hàn bởi trước đây chị với chồng và bố chồng giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Tuy nhiên mẹ chồng không biết tiếng Anh nhiều nên bố mẹ chồng đã phải dày công dạy chị học thêm tiếng Hàn. Bên cạnh đó, ở Hàn người phụ nữ cũng phải biết nội trợ nên mẹ chồng chị đã dạy chị rất nhiều, từ đi chợ đến làm những món ăn Hàn Quốc.
"Bố mẹ có tính họa sĩ và nghệ sĩ. Mẹ thì vẽ giỏi lắm và mẹ từng có thời gian làm giáo viên dạy vẽ nên khi dạy mình học tiếng Hàn, mẹ hay vẽ ra để cho mình dễ học. Rồi bắt mình học hát trong khi mình không biết hát. Lúc đó chỉ biết nghêu ngao theo rồi cả nhà bò ra cười.
Làm dâu Hàn Quốc có một điều mình khá thích thú là nhà chồng theo Đạo nên không có ngày giỗ. Ngày lễ, Tết ở đây cũng đơn giản nên không phải chuẩn bị lễ, Tết cầu kỳ như ở Việt Nam. Gia đình chỉ làm mấy món ăn đơn giản rồi quây quần bên nhau vui vẻ thôi", chị Thanh cho hay.
Chị Thanh cho biết, chị theo chồng sang Hàn vào tháng 3/2019. Chị và ông xã ở chung với bố mẹ chồng 10 tháng để học hỏi mọi phong tục, tập quán ở đây. Sau đó, vợ chồng chị dọn ra ở riêng vào đầu năm nay.
Mặc dù "sống chung với mẹ chồng" 10 tháng nhưng vì sau đó mang bầu nghén nặng nên chị hầu như không phải làm việc gì, mẹ chồng đều làm hết mọi việc. Lúc nào bà cũng ân cần hỏi chị "con có muốn ăn gì hay thèm gì không để mẹ mua cho?".
Bố chồng chị còn hỏi chị muốn ăn tôm hùm hay cua hoàng đế để mua. Và ông đã đưa cho chồng chị tiền tương đương khoảng 3 triệu tiền Việt để mua cua hoàng đế bồi bổ.
Bố chồng mua cua hoàng đế cho chị tẩm bổ khi mang bầu.
Hiện nay, mặc dù chị đã sinh con nhưng bố mẹ chồng vẫn hết mực quan tâm chị. Nhìn thấy chị sau sinh 3 tuần giảm 14kg, bố mẹ chồng thương xót con dâu nên ngày nào họ cũng đến thay nhau trông cháu để cho chị có thời gian ngủ, nghỉ ngơi. Thậm chí, nhiều khi con quấy khóc, chị không nấu ăn được, mẹ chồng lại nấu sẵn đồ mang sang cho chị ăn.
Không chỉ vậy, từ ngày sang Hàn làm dâu, dù ở chung hay ở riêng với mẹ chồng, chị cũng chưa một lần nào phải đi đổ rác bởi lúc nào mẹ chồng và ông xã cũng dành làm việc đó.
Nói đến đây, chị Thanh bộc bạch, thời gian đầu chị cũng rất sợ chuyện làm dâu xứ Hàn vì chị xem phim thấy đa số mẹ chồng Hàn đều rất khó tính. Thế nhưng sau 1 năm làm dâu, mọi đắn đo ban đầu của chị tan biến hết. Mẹ chồng chị kỹ tính nhưng không hề khó tính và chỉ cần chị hiểu, biết tính mẹ, mọi chuyện đều trở nên dễ dàng. Đến bây giờ, chị không còn sợ nữa mà ngược lại vô cùng thích tích cách của mẹ.
"Gia đình nhà chồng mình là gia đình bình thường, không giàu có nên mẹ chồng lúc nào cũng nói với mình rằng: "Mẹ xin lỗi vì không có nhiều tiền. Mẹ muốn mua và cho con rất cả những gì tốt nhất nhưng mẹ không làm được, mẹ xin lỗi". Dù con dâu là người ngoại quốc nhưng bố mẹ chồng là người giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt là sự cảm thông cho nhau về văn hoá khác biệt giữa 2 nước", chị Thanh thổ lộ.
Chị Thanh bên bố mẹ chồng.
Ngoài ra, chị cũng luôn có ông xã là hậu phương vững chắc để tin tưởng vào việc làm dâu xứ người. Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ lời bố chồng nói trong lễ cưới rằng "Con trai tôi là người hiền lành, không phải là người nóng tính nên chắc chắn sẽ lo và chăm sóc tốt cho vợ". Đúng như những lời bố chồng nói, ông xã là người giúp đỡ và có vai trò quan trọng để giúp chuyện mẹ chồng nàng dâu của chị được tốt đẹp như hiện nay.
Đối với chị Thanh, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu mà nhiều người lo ngại ở bất cứ nơi đâu, bất cứ quốc gia nào cũng có người này người kia. Để có mối quan hệ tốt đẹp, mọi người không nên chia khoảng cách mẹ chồng – nàng dâu, bố chồng – nàng dâu.
Những nàng dâu hãy đối xứ tốt với bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ thứ 2 của mình và bố mẹ chồng hãy mở lòng, đối xử với con dâu như chính con đẻ thì mọi gia đình sẽ đều hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Và rào cản giữa bố mẹ chồng với nàng dâu cũng sẽ được dỡ bỏ.
* Độc giả có câu chuyện về gia đình muốn tâm sự, chia sẻ có thể gửi thư về hòm mail: [email protected]
Bị sếp tán tỉnh và cách ứng xử bất ngờ của cô gái thông minh
Theo Hồng Nhung
Eva/thoidaiplus.giadinh.net.vn