Sáng 11/12, trinh sát Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an TP HCM cùng Quản lý thị trường và Công an quận Tân Phú phát hiện hơn 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt sản xuất trái phép tại kho của Công ty Việt Nhật (đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú).
Đại diện công ty cho biết, nhập chất tạo ngọt từ Trung Quốc từ 3 năm nay, chế biến thành đường tinh thể với độ ngọt gấp 500 lần đường sản xuất bằng mía. Sau đó, công ty đóng gói đường vào các bao bì nhãn hiệu khác nhau rồi bán ra thị trường.
Chiều tối cùng ngày, PC49 đã niêm phong toàn bộ số đường và chất tạo ngọt thu giữ để điều tra, xử lý.
Trung tá Lê Văn Vũ (Đội trưởng Đội 4, PC49) cho biết, Công ty Việt Nhật chuyên sản xuất đường giả các thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc. Sản phẩm của công ty này có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng khi chỉ 5 hạt đường có thể làm ngọt cho 150 lít nước. Đặc biệt, theo ghi nhận, có nhiều cơ sở nhập đường của công ty này về làm nước nấu chè.
Theo tìm hiểu của VTC News, loại đường hóa học được cơ quan chức năng bắt tại Tân Phú, TP HCM có nhãn mác là Tang Jing nghĩa là đường tinh luyện.
Một chuyên gia về kiểm nghiệm thực phẩm khẳng định: Loại đường này không an toàn. Thứ nhất, không được thẩm định chất lượng, không thể biết đó là đường hóa học gì. Thứ hai, đường Tang Jing không có nguồn gốc xuất xứ, có thể còn lẫn chất tạp chứ không phải loại đường tinh.
|
5 tấn đường và chất tạo ngọt bị phát hiện. |
Báo VnExpress cũng thông tin, hiện nay, trên thị trường loại đường hóa học thông dụng gọi là “đường ngọt”, với dòng chữ Tang Jing mờ nhạt, được nhiều người chuyên bán đồ ăn ưa dùng. Ngoài ra, trên bao bì không hề ghi thành phần, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Hạt đường này to gần bằng hạt đậu xanh, được người bán quảng cáo là có độ ngọt gấp 500 lần đường cát bình thường, với giá bán khoảng 90.000 đồng/kg.
Loại đường này được sử dụng phổ biến để làm bánh kẹo, nước ngọt, chè, sâm lạnh, sữa đậu nành… Tại các quán cơm người ta vẫn dùng loại đường này để nấu nướng cho rẻ, đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với sử dụng đường mía.
Thử phân tích một bài toán đơn giản sau sẽ thấy được vì sao nhiều người bán đồ ăn hay sử dụng đường hóa học này thay cho đường cát: 100 g đường hóa học đếm được 2.300 viên, giá thị trường là 9.000 đồng, tức 1 viên giá 4 đồng. Dùng 1 viên đường hóa học tạo được vị ngọt tương đương với dùng 100 g đường cát (có giá 2.000 đồng). Như vậy, mỗi lần dùng một viên đường hóa học không rõ xuất xứ thay cho đường cát, người sử dụng đã tiết kiệm được nhiều lần.
|
Túi đường hóa học được người bán giới thiệu là có độ ngọt gấp 500 lần đường cát thông thường. |
Hiện nay, một số loại chất tạo ngọt hay còn gọi là đường hóa học được Bộ Y tế cho phép sử dụng theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT là Manitol - làm dày, nhũ hóa, ổn định, chống đông vón, chất độn.
Acesulfam kali và Isomalt tác dụng điều vị; Isomalt- chất độn, chống đông vón, nhũ hoá, làm bóng; Sacarin (và muối Na, K, Ca của nó) – điều vị; Sorbitol và siro sorbitol - Chất độn, nhũ hoá, làm ẩm, tạo phức kim loại, ổn định, làm dày và chất ngọt Sucraloza.
Những chất ngọt này ít năng lượng, được dùng cho người có bệnh tiểu đường, thậm chí dùng để chế biến thực phẩm ở ngưỡng cho phép.
Một loại đường hóa học không được phép sử dụng tại Việt Nam là cyclamate. Loại đường này được dùng khá nhiều như thông tin ở trên.
Các nhà sản xuất sử dụng cyclamate vì hai yếu tố: nó ngọt gấp 500 lần đường mía, nhập khẩu chủ yếu từ biên giới phía Bắc, giá thành hạ, phí vận chuyển thấp, mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Trong khi đó, chất tạo ngọt cyclamate vào cơ thể được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi, dị dạng bào thai trên thực nghiệm.
Các loại đường hóa học này rất dễ mua, giá thành rẻ mà đa dạng chủng loại. Ngoài loại đường có bao bì Tang Jing còn có loại đường hiệu Bốn Cây Mía đều có bao bì ghi bằng tiếng Trung Quốc và thông tin rất mập mờ, không có thành phần, hạn sử dụng và nơi sản xuất.
Đối với trẻ em, đây là lứa tuổi đang cần bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển trí não và chiều cao nên việc sử dụng đường hóa học nhiều sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ, thậm chí sinh ra bệnh tật hay suy dinh dưỡng, hoặc trí não không phát triển bình thường... Bên cạnh đó chức năng thải độc của gan, thận của trẻ em đều kém nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Một số trẻ tự nhiên biếng ăn bởi những chất ngọt “dởm” cản trở khả năng hấp thu protein, sắt, kẽm khiến trẻ chậm lớn.
Ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều.
PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về an toàn thực phẩm khẳng định: Nếu dùng quá nhiều đường hóa học sẽ bị ngộ độc dần dần, chất độc sẽ tích tụ lâu dài trong cơ thể và gây bệnh ung thư.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Chất tạo ngọt dù được phép của Bộ Y tế thì cũng phải dùng đúng liều lượng và có nhãn mác, đơn vị sản xuất đầy đủ. Với những chất tạo ngọt trôi nổi trên thị trường có thể không an toàn vì dễ lẫn tạp chất nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhận biết thực phẩm có đường hóa học
Đường hoá học rất dễ hòa tan trong nước, không màu, không mùi nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi ăn phải thực phẩm có đường hóa học, thường sẽ cảm nhận được vị ngọt gắt, hơi chát và hơi đắng. Vì vậy, người bán thường dùng thêm đường mía khi chế biến để thực phẩm được ngọt, ngon hơn và đỡ đắng. Đường hóa học tạo vị ngọt lợ sau khi ăn, đặc biệt là khi uống nước lúc nào cũng đọng lại vị ngọt trong miệng.
Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình trước thực trạng đường hóa học được buôn bán và sử dụng tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, thức uống hàng ngày. Hạn chế sử dụng thực phẩm bỏ hộp, nước uống đóng chai. Thay vào đó nên ăn những thực phẩm tươi sống, uống nước ép từ trái cây tự nhiên để đảm bảo cho cơ thể vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng mà lại an toàn cho sức khỏe.