Khát khao có con đến cháy lòng nhưng chị Huỳnh Thị Định (SN 1967) người đồng bào dân tộc Chơ Ro, tổ 5, Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã cố mang thai 5, 6 lần. Thế nhưng lần nào chị cũng bị sảy thai, không giữ được con đến ngày sinh nở. Có lần chị mang thai đến tháng thứ 7, thứ 8 nhưng vẫn không thể giữ được con. Sau khi sinh non, đứa con nào cũng bỏ anh chị mà đi.
|
Hiện tại anh Kiệt không thể tự vệ sinh cá nhân mà phải có vợ bên cạnh hỗ trợ. |
Không giữ được con liên tiếp, chị Định cũng không có tiền để đi khám và chữa bệnh. Vì thế, chị không biết bản thân bị bệnh gì.
Cho đến giờ phút này, người vợ ấy cũngchẳng bao giờ còn ý nghĩ sẽ điều trị để có con nữa. Bởi vì, tiền thuốc cho chồng điều trị bệnh, giờ chị cũng phải vay mượn từng đồng, đâu còn tiền khám chữa cho chị.
5 năm trước, anh Nguyễn Tuấn Kiệt (SN 1970), chồng chị Định mắc chứng bệnh bướu bàng quang. Lúc ấy anh chỉ có biểu hiện đau vùng bụng nên khó đi lại. Nhưng hai vợ chồng quanh năm làm thuê, cuốc mướn, kinh tế eo hẹp, đều không có công ăn việc làm ổn định nên không lấy đâu ra tiền để đi khám.
Hàng năm, họ chỉ chờ đến mùa thu hoạch mỳ (khoảng thời gian tháng 12, tháng 1) thì mới có nhiều việc làm thuê. Mỗi ngày chị đi nhổ mỳ thuê được người ta trả tiền công 100 ngàn đồng. Còn anh Kiệt được trả công nhỉnh hơn là 120 ngàn đồng.
Tuy nhiên, sau mùa thu hoạch mỳ, vợ chồng anh chị lại thành những người thất nghiệp, không còn việc gì khác để làm. Bởi thế, suốt 5 năm qua anh bị bệnh, anh Kiệt chẳng những không được đi khám mà còn không làm được việc gì, tất cả mọi việc đều trông chờ vào bàn tay người vợ lam lũ.
Đến năm thứ 3 sau khi phát hiện ra bệnh, những cơn đau bám riết mỗi ngày khiến anh không thể làm được việc gì. Chị quyết tâm mang cầm cố chiếc xe máy, thứ tài sản có giá trị nhất trong gia đình. Đây cũng là phương tiện kiếm cơm của hai vợ chồng hàng ngày.
Với số tiền cầm cố được hai triệu, chị đưa anh vào nhập viện bệnh viện Ung bướu Tp. HCM. Lúc này, các bác sỹ phẫu thuật cho biết cái bướu anh đang mang là bướu rễ. Hai năm trước phẫu thuật thì có thể cắt bỏ được nó. Để đến bây giờ quá lâu, nếu tiến hành phẫu thuật, rất có thể sẽ không cầm máu được, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao.
“Gia đình tôi nghe như vậy nên không dám cho chồng phẫu thuật nữa. Chữa bằng phương pháp tây y không được, tôi xoay qua mua thuốc nam ở khắp nơi để điều trị. Hiện giờ sức khỏe của anh đang yếu dần. Từ lâu anh Kiệt chỉ ăn cháo và uống một chút sữa. Bụng chướng lên ngày một to hơn. Sức khỏe của anh bây giờ phải hỗ trợ thở ôxi liên tục”, chị Định nghẹn ngào.
Xót xa hoàn cảnh cơ cực của gia đình chồng bị bướu bàng quang, vợ mang bầu 5,6 lần không được
|
Hai vợ chồng anh chị nhận được những tấm lòng từ mạnh thường quân ở Hà Giang giúp đỡ. |
Từ Tết đến giờ, bệnh của anh Kiệt trở nên ngày càng nặng hơn. Thế nên anh không đi làm được nữa. Đến việc vệ sinh cá nhân anh cũng không thể làm một mình. Vì vậy chị Định phải nghỉ hẳn ở nhà chăm chồng.
Cuộc sống của vợ chồng chị giờ cùng quẫn đến nỗi việc mua chiếc bình ô xi cho anh thở hàng ngày chị cũng phải đi vay khắp nơi trong xóm. Số tiền mỗi lần mua bình có giá 250 ngàn, thêm 100 ngàn chi phí vận chuyển nhưng anh chị cũng phải đi vay mượn.
Trao đổi với ông Nguyễn Điện Biên, tổ trưởng tổ 5, thôn Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt chỉ có hai vợ chồng, gia đình khá khó khăn nên 2 năm trước họ được cho vào danh sách hộ nghèo.
Cũng trong năm đó, phía hội chữ Thập đỏ của tỉnh đã có chính sách cấp bò làm kinh tế cho những hộ nghèo. Giá trị con bò lên đến 15 triệu đồng. Nhưng sau khi cấp bò hai năm, chúng tôi sẽ tiến hành cắt hộ nghèo để chuyển sang các hộ khác.
Dự kiến, năm nay, gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ không còn nằm trong diện hộ nghèo nữa. Đó là chỉ thị từ cấp xã chỉ đạo xuống địa bàn, chúng tôi cũng chỉ biết thực hiện theo”.