Hai trẻ là anh em ruột nghi tử vong do vi khuẩn ăn mòn cơ thể Whitmore

Google News

Một gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội) được xác định có 2 con mắc vi khuẩn Whitmore và đều đã tử vong. Đau lòng hơn, chỉ cách đây hơn nửa năm, con gái của gia đình này cũng đã mất vì nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

Hai tre la anh em ruot nghi tu vong do vi khuan an mon co the Whitmore
 
Tin từ Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, cháu bé Trần Công Vinh (2014) Xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn nhập bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28/10/2019 và đến ngày 31/10 thì tử vong.
Theo lời kể của ông nội bệnh nhân, trước ngày vào viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng và gia đình không điều trị gì. Đến 5 giờ chiều ngày 28/10, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21 giờ ngày 31/10, bệnh nhi đã tử vong tại bệnh viện này với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm ngày 30/10 và đến ngày 1/11 thì có kết quả nuôi cấy dương tính với loai vi sinh vật Burkholderiapseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). Tiền sử bệnh nhi cho thấy cháu khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh mạn tính.
Đau xót hơn, đến ngày hôm qua (16/11), em trai của bệnh nhi xấu số nói trên (sinh năm 2018) cũng đã tử vong tại bệnh viện Nhi Trung ương sau vài ngày điều trị tích cực. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé này cũng nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Cháu bé này được phát hiện sốt hôm 10/11. Ngày hôm sau, gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, sau đó là bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày hôm sau, trẻ đã đỡ sốt, ăn được nhưng thông tin mới nhất cho biết, cháu bé đã tử vong cách đây 1 ngày.
Đáng chú ý, hai cháu bé vừa tử vong nói trên có chị gái (sinh năm 2012) đã mất do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ cách đây vài tháng (tháng 4/2019).
Về cái chết của cháu gái này, theo lời kể của ông nội, trẻ xuất hiện sốt ngày 6/4/2019 và không có biểu hiện gì khác nên gia đình tự mua thuốc về điều trị. Đến chiều tối ngày 8/4, gia đình đưa cháu đến bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, sau điều trị tại đây 1 ngày không thuyên chuyển thì đưa đến bệnh viện Sanh pôn. Tại đây, trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường huyết hoại tử đường ruột. Trẻ tử vong lúc 7 giờ sáng ngày 9/4.
Kết quả điều tra tại gia đình các cháu bé nói trên cho thấy, gia đình có 7 người, trong đó bố mẹ của các cháu đều là công nhân, còn ông bà làm nông nghiệp và đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc loại virus nguy hiểm này.
Cơ quan chức năng địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự.
Không phải là vi khuẩn ăn thịt người
Thời gian vừa qua, liên tiếp có các trường hợp mắc loại vi khuẩn Witmore khiến dư luận đặc biệt hoang mang và gọi loại vi khuẩn này là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Trước thông tin này, PGS.TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định “Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người”.
“Bệnh không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”- PGS Đỗ Duy Cường nói.
Theo TS Cường, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh.
Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống,.. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.
Trong khi đó, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng không hề đơn giản. Bệnh nhân phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, co-trimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạchchia 3 lần), kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai đã có kế hoạch tổ chức các đợt tập huấn cho các bác sĩ tuyến dưới để tăng cường sàng lọc, phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm ca bệnh.
Hiện nay, bệnh whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiệnphòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn; Xử lý tốt các viết thương ngoài da nếu bị trầy xước, nhiễm trùng và nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Vnmedia

>> xem thêm

Bình luận(0)