Theo thông báo của Bộ Y tế, các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem trong tháng 10/2013, sau hơn 5 tháng bị tạm ngừng sử dụng. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ lùi thời điểm tiêm lại vào tháng sau vì lịch tiêm chủng mở rộng của thành phố là vào ngày mùng 5 hàng tháng. Đồng thời, trong thời điểm tháng 10 Sở Y tế Hà Nội cũng vẫn chưa nhận được thông báo hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Y tế.
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho việc tiêm trở lại loại vắc xin này, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng cho lịch tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem và sẽ tiêm đúng theo lịch tiêm chủng mở rộng.
Ông Cảm cho biết thêm, trong đợt tiêm chủng lần này ngành Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 68.000 liều vắc xin Quinvaxem. Đồng thời, cũng đã tiến hành kiểm tra, 100% các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố đều đạt yêu cầu.
Đối với công tác hậu tiêm chùng, các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm khi được chuyển đến. Đồng thời, mỗi trạm y tế xã, phường cũng đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ.
|
Hà Nội đã sẵn sàng cho đợt tiêm chủng trở lại vắc xin Quinvaxem |
Trước đó, tại huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra tình trạng hoàng loạt trẻ nhập viện sau khi tiêm vắc xin này, khiến tâm lý của phụ huynh hết sức hoang mang và lo lắng.
Tính đến chiều ngày 26/10, Sở Y tế Tiền Giang cho biết đã ghi nhận 27 trẻ ở các địa phương nhập viện theo dõi sốt sau khi tiêm văcxin Quinvaxem trong chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng hai ngày 25 và 26/10. Trong đó có một trẻ phải chuyển lên BV Nhi đồng 1 theo dõi.
Giải thích về hiện tượng này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, phân tích cho thấy, những phản ứng sau tiêm chủng với 32 trẻ ở Tiền Giang, đa số xuất hiện sốt nhẹ, phản ứng tại chỗ sau tiêm vắc-xin Quinvaxem như sưng, nóng, bỏng và đau, hơi kích thích một chút.
Theo GS-TS Hiển, những phản ứng vừa rồi xảy ra theo báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang nằm trong phản ứng thông thường của vắc-xin cho phép với loại vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Ông Hiển cho biết thêm, nếu dùng vắc-xin khác có thể ít phản ứng phụ hơn. Một số nước trên thế giới đã phát triển vắc-xin thế hệ mới. Cụ thể loại vắc-xin ho gà vô bào làm giảm phản ứng phụ như sốt và phản ứng tại chỗ.
Khẳng định về độ an toàn của loại vắc xin này PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại Tiền Giang đều là những phản ứng thông thường và khuyến cáo các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng về các phản ứng này, mà nên tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng”.
Được biết, vắc xin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ, dùng để phòng các bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Loại vắc-xin này được sử dụng ở 34 quốc gia trên thế giới, tiêm cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.