Những thành công này thêm lần nữa khẳng định trình độ tay nghề của đội ngũ y bác sĩ chuyên ngành tim mạch của BV Nhi TW nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc làm chủ các kỹ thuật cao về phẫu thuật tim mạch trẻ em…
Bệnh nhi nặng 1,7kg và mắc bệnh lý hiếm gặp với năm tổn thương tim bẩm sinh
Ngay từ khi còn trong bào thai, bé Nguyễn Trọng P. đã bị suy dinh dưỡng. Bé P. được sinh non ở tuần 37 và chỉ nặng 1,7kg, và điều đáng nói là vừa chào đời, bé P. đã bị tím tái, bão hòa oxy chỉ khoảng 15-20% (bình thường là 95%), xuất hiện tình trạng sốc tim và được chuyển ngay sang Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương để thở máy. Dù được hồi sức tích cực, toàn trạng của cháu bé vẫn rất nặng, bão hòa oxy của cháu chỉ lên được 25%.
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho gần 400 trường hợp bệnh tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, nhưng đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất và phối hợp 5 tổn thương tim gồm chuyển gốc động mạch; hẹp rất nặng đường ra của tâm thất trái; thông liên thất lỗ lớn; ống động mạch mở nhưng không có khả năng trao đổi oxy; vách liên nhĩ bị gần như đóng kín, không có khả năng trộng máu. Đáng nói là hoàn cảnh gia đình cháu P. vô cùng đặc biệt, chính điều này cũng khiến các bác sĩ chịu không ít áp lực khi tiến hành phẫu thuật. Mẹ cháu P. đã xảy thai 2 lần trước đó, đây là lần thứ 3 mang thai và có lẽ cũng là cuối cùng. Chính vì lý do đó mà từ khi còn mang thai khi biết con bị suy dinh dưỡng và có bệnh lý tim mạch nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại.
|
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ với phóng viên về hai ca phẫu thuật tim bẩm sinh đặc biệt tại Trung tâm tim mạch. |
“Khi biết hoàn cảnh gia đình cháu P. như vậy, bản thân chúng tôi là bác sĩ cũng phải suy nghĩ rất nhiều về việc có nên phẫu thuật hay không. Nếu không phẫu thuật thì cháu có nguy cơ tử vong, còn nếu phẫu thuật với cân nặng chỉ 1,7kg thì quả thật cũng không phải điều đơn giản”, TS Trường cho biết.
Xác định đây là một trong những trường hợp phẫu thuật phức tạp nhất từ trước đến nay tại Trung tâm Tim mạch, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật chuyển lại hai động mạch chủ và động mạch phổi; cố gắng giải phóng hết tắc nghẽn trên đường thoát của tâm thất bằng cách cắt bỏ toàn bộ tổ chức gây hẹp đường ra của tâm thất trái. Đồng thời, vách liên nhĩ được mở rộng và động mạch phổi được siết lại tạm thời để hạn chế suy tim, bảo đảm đủ máu nuôi cho cơ thể cháu bé, tránh phù phổi và suy tim sau mổ.
“Khó nhất trong ca phẫu thuật là phải chuyển lại vị trí động mạch vành. Ê kíp phải dùng kính lúp phóng đại 4 lần mới tiến hành chuyển được. Đồng thời, phải tính toán làm sao khi quay ngược động mạch vành theo chiều 180 độ, không làm xoắn vặn gốc động mạch vành” – BS Trường cho biết.
Sau 10 giờ "cân não" trên bàn mổ, tình trạng cháu tương đối ổn định và được chuyển sang hồi sức. Ca mổ diễn ra cách đây một tuần và chỉ sau hai ngày, bệnh nhi được rút nội khí quản, giờ có thể tự thở và bắt đầu ăn được với số lượng ít.
“Sửa chữa” toàn bộ tổn thương trong tim khi trẻ mới một tháng tuổi
Trường hợp thứ hai cũng vô cùng đặc biệt, đó là cháu Trương Ngọc Linh Ch. (gần 2 tháng tuổi, ở Tuyên Quang)-cháu bé bị mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, thông liên thất lớn kèm theo teo động mạch phổi đã được xử trí kịp thời và được ra viện chiều ngày 14/6... Chia sẻ với chúng tôi, BS Trường cho biết, bệnh nhi này được phẫu thuật khi mới hơn 1 tháng tuổi, với cân nặng chỉ 3,2kg.
Theo BS Trường, cháu Ch. nhập viện khi mới 20 ngày tuổi, cân nặng chỉ 2,2kg, với tình trạng nguy kịch tính mạng, không có động mạch phổi. Toàn bộ máu lên động mạch phổi của bệnh nhi này được cấp bởi ống động mạch nhưng ống động mạch đang nhỏ lại, có nguy cơ gây ra đột tử bất kỳ lúc nào.
Để duy trì sự sống cho bệnh nhi, các bác sĩ đã phải đưa ra phương án dùng thuốc duy trì thông ống động mạch, tăng lượng máu lên phổi, làm bão hòa ô xy đủ tốt để duy trì sức khỏe và cố gắng nuôi dưỡng cho cháu có thể tăng cân, cố gắng đến thời điểm vàng theo y văn quốc tế là từ 3 đến 6 tháng sẽ tiến hành mổ. Tuy nhiên, nhận định tình trạng nguy hiểm của cháu bé, các bác sĩ đã tích cực điều trị.
|
Bố cháu Ch. đang dỗ dành con gái yêu để chuẩn bị ra viện. |
Khi cháu hơn một tháng tuổi, mặc dù cân nặng mới chỉ được 3,2 kg, tình trạng thiếu ô xy của cháu dần trở nên nặng nề, không có sự lựa chọn nào khác, các bác sĩ quyết định phải tiến hành phẫu thuật "sửa chữa" toàn bộ các tổn thương trong tim cho cháu trong một lần mổ, vì hiện tại Việt Nam không có ống nối mạch máu đường kính nhỏ (3mm) để có thể kéo dài thời gian chờ đợi phẫu thuật "sửa chữa" toàn bộ khi cân nặng lớn hơn.
Với sự quyết tâm cao của các bác sĩ, ca mổ đã hoàn thành trong vòng 7 giờ đồng hồ, với gần 20 người tham gia. May mắn cho trường hợp bệnh nhi này là động mạch phổi ở phía bên nhánh của cháu bé còn hợp lưu lại với nhau và có thể nối động mạch phổi vào tâm thất phải bằng ống nối. Tuy nhiên, do tình trạng mô và tổ chức của trẻ còn mỏng, rất dễ bị đứt hoặc bị xé trong quá trình khâu nối. Do đó, các bác sĩ phải tiến hành khâu rất cẩn thận, vá lỗ thông liên thất, mở tâm thất phải để đưa ống nối lên, nối máu từ tâm thất phải lên động mạch phổi.
Sau phẫu thuật, cơ bản quả tim của bệnh nhi hoạt động như bình thường và có khả năng lớn như người bình thường. Thế nhưng niềm vui chưa kịp lan tỏa thì sau mổ hai ngày, bé Chi. bị phù phổi, máu tràn vào đường thở. Mọi chỉ số sinh tồn tụt xuống rất nhanh, bão hòa oxy xuống thấp, huyết áp tụt, phổi gần như không trao đổi khí. Duy trì bằng thở máy cũng không kiểm soát được khả năng trao đổi khí ở phổi của bệnh nhân, nên các bác sĩ quyết định phải sử dụng phương pháp ECMO (sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể) nhằm hỗ trợ cho cả tim và phổi của bé.
“Cháu bé có sức bền thành mạch kém, cân nặng thấp nên gặp biến chứng sau mổ. Bằng mọi quyết tâm phải cứu cháu bé, chúng tôi phải đặt động mạch cạnh, tĩnh mạch cạnh. Có lúc phổi và huyết động xấu, chúng tôi phải bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng hỗ trợ suốt lúc đặt. Sau hai tiếng dùng phương pháp ECMO, huyết động cháu bé giữ ổn định” –BS Cao Việt Tùng, trưởng khoa Phẫu thuật-Gây mê-Hồi sức Tim mạch kể lại
|
Niềm vui được ôm con gái khỏe mạnh trong tay của bố bé Ch. |
Ngày thứ bảy sau mổ, phổi cháu bé cải thiện hoàn toàn, tim hoạt động giống như bình thường nên các bác sĩ quyết định rút máy ECMO cho cháu. Cháu bé được rút nội khí quản và tự thở tốt sau đó hai ngày. Kết quả siêu âm tim cho thấy chức năng tim tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật thay động mạch phổi để dùng vật liệu nhân tạo phù hợp với sự phát triển của cháu bé.
“Sửa hết toàn bộ các tổn thương trong tim với một cháu bé chỉ hơn 1 tháng tuổi là một chiến lược rất áp lực với chúng tôi. Tuy nhiên, so với các Trung tâm Tim mạch lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, chiến lược của chúng tôi trong việc xử trí ca bệnh này tương đối giống và đã được áp dụng thành công” – BS Trường chia sẻ
Tỷ lệ mắc tim bẩm sinh tại Việt Nam hiện nay là khoảng 0,8-1% tỷ lệ trẻ sơ sinh. Và trong đó, có 1-2% bệnh nhi mắc bệnh lý chuyển gốc động mạch.
Bệnh lý này có thể tầm soát từ trong bào thai. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào giỏi về siêu âm hình thái cũng phát hiện được. Theo bác sĩ Trường, ngay cả các nước có nền y học tiên tiến như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hay bỏ sót hoặc không có chẩn đoán trước sinh bệnh lý này. Nếu không có tổn thương nào khác, việc phát hiện bệnh chuyển gốc động mạch rất khó.