Chúng tôi đến khoa Sản bệnh viện Bạch Mai vào một buổi chiều cuối tháng 3.
Tiếp chúng tôi là PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai. Dù bề bộn với công việc của mình, ông vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian ngắn để tâm sự về nghề ‘đặc biệt’ của mình.
Vị phó giáo sư kể, ông vào nghề đã 20 năm, ngoài những lúc phải đối mặt với tình huống nguy cấp thì người bác sĩ như ông còn được chứng kiến niềm hạnh phúc dạt dào của những người thân khi con mình chào đời.
|
PGS.TS. Phạm Bá Nha trải lòng về nghề đặc biệt của mình. Ảnh H. Thúy |
Nhớ về những trường hợp đặc biệt, PGS.TS Phạm Bá Nha kể về vợ chồng quê Nam Sách, Hải Dương đã tìm đến ông cách đây 3 năm.
PGS.TS. Phạm Bá Nha kể: “Đó là một buổi sáng mùa hè, khi tôi đang trong giờ làm việc thì một cặp vợ chồng bước vào.
Người phụ nữ giới thiệu mình tên Hoa, 37 tuổi, đứng bên cạnh chị ta là anh chồng tên Thành, 42 tuổi. Họ đều từ Hải Dương lên".
Theo lời bác sĩ Nha, chồng chị Hoa là con trai độc nhất, lại là cháu đích tôn của dòng họ. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu lập gia đình, áp lực con cái đè nặng lên vai hai vợ chồng.
Thế nhưng, kết hôn đã gần 9 năm, bao nhiêu loại thuốc bổ dưỡng chị Hoa đều mua về tẩm bổ cho hai vợ chồng nhưng chẳng có hiệu quả.
Lúc đó, chị Hoa vô cùng buồn bã. Chị đã thuyết phục chồng đi khám nhưng anh không đồng ý. Anh cho rằng cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chẳng qua là duyên có con chưa đến.
Sự chờ đợi của hai vợ chồng mỗi ngày một thêm dài, hơn nữa lúc này họ hàng, làng xóm cũng bắt đầu nói bóng gió chuyện họ bị vô sinh. Vì thế, chị Hoa đã năm lần bảy lượt tìm đến các trung tâm hiếm muộn để mong có một mụn con. Vậy nhưng, thời gian trôi đi, kết quả chị nhận được đều là vô vọng.
Cách đây nửa tháng, qua lời giới thiệu của một người bạn, chị quyết định thuyết phục chồng đến khoa Sản của bệnh viên Bạch Mai để thăm khám và điều trị.
Ban đầu, chồng chị lưỡng lự, nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý theo chị lên Hà Nội.
"Có lẽ đó là lần đầu tiên đi khám nên người chồng vẫn còn rất xấu hổ, đi đến đâu anh ta cũng sợ người khác nhìn rồi đánh giá. Lúc tôi khám, anh ta còn luống cuống vì không biết phải làm thế nào. Sau khi tôi khám xong, chẩn đoán là do người vợ bị suy buồng trứng có thể chữa được. Anh ta mới thở phảo nhẹ nhõm”, bác sĩ Nha kể.
Từ khi phát hiện bị suy buồng trứng, cả hai vợ chồng đã quyết định thuê nhà ở lại Hà Nội một thời gian để điều trị và làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).
Vì cả hai vợ chồng cũng đã nhiều tuổi, hiếm muộn trong nhiều năm nên lần đầu tiên không thành công. Không đầu hàng trước số phận, chị Hoa và chồng quyết định làm IVF lần hai, lần này, một kết quả vô cùng bất ngờ đến với họ. Chị Hoa mang thai đôi. Từ khi chị mang bầu, mọi hoạt động của chị đều được đội ngũ các y bác sĩ kiểm tra, theo dõi cẩn thận, tận tình.
“Vì công việc của tôi là tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, vì thế tôi gần như quên đi cặp vợ chồng này. Mãi đến một buổi đêm, khi tôi đang chợp mắt thì tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên inh ỏi.
Nhấc máy lên, tôi thấy đầu dây bên kia là một người đàn ông. Anh ta vừa nói vừa khóc nấc: “Bác sĩ ơi, em được làm bố rồi”. Khoảnh khắc nghe anh ta nói, tim tôi cũng vỡ òa hạnh phúc. Đêm đó, tôi gần như không thể chợp mắt được”, PGS.TS Phạm Bá Nha nói.
Một trường hợp khác cũng khiến PGS.TS Phạm Bá Nha xúc động. Đó là lần ông điều trị, chăm sóc cho một người phụ nữ mang thai khi chị chạy thận nhân tạo 7 năm liền.
Do bị bệnh thận mà cách đây 7 năm trước chị không giữ được đứa con đầu lòng. Vì thế, việc giữ lại cái thai quả là một quyết định khó khăn và đầy thách thức không chỉ với bản thân chị - một người mang bệnh mà còn khó khăn với cả đội ngũ y bác sĩ.
“Để giữ lại cái thai, cả gia đình sản phụ này và chúng tôi đều rất cân não trước những rủi ro, nguy cơ và tai biến có thể xảy ra với bệnh nhân bất cứ lúc nào. Thế nhưng, nếu không quyết tâm giữ lại cái thai thì sản phụ này cũng sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hưởng trọn niềm vui của một người mẹ. Và những bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác gần như tắt hy vọng về một tương lai đầy ắp tiếng trẻ thơ.
Để tạo tiền lệ, rút kinh nghiệm cho những bệnh nhân tiếp theo, chúng tôi đã họp bàn và xây dựng một quy trình điều trị, chăm sóc đặc biệt đối với bệnh nhân trong nhiều tuần liền”, PGS.TS Phạm Bá Nha nhớ lại.
Khi thai được 31 tuần tuổi, sản phụ chuyển dạ sinh và chính bác sĩ Nha là người thực hiện ca mổ cho sản phụ này.
Hôm đó, bản thân ông cũng như các y bác sĩ trong phòng mổ rất lo lắng, hồi hộp. Ê kíp ngoài các bác sĩ khoa Sản còn có các bác sĩ khoa Nhi túc trực bên cạnh để đón và điều trị cho em bé. Em bé sinh ra nặng 1,5kg, các chỉ số về sức khỏe tốt, cả ê kíp mổ sung sướng vỡ òa.
Theo PGS.TS Phạm Bá Nha, ngoài những trường hợp điển hình trên, ông từng nhiều lần cứu chữa cho các bệnh nhân có tinh trùng dị dạng nặng sau xạ trị. Họ đã làm nhiều cách, nhiều nơi ở nước ngoài nhưng vẫn không thành công. Thế nhưng họ lại may mắn sau hai lần được các bác sĩ tại khoa can thiệp.
“Niềm hạnh phúc, sự vui mừng của các cặp vợ chồng hiếm muộn đã là động lực giúp chúng tôi cố gắng làm việc tốt hơn”, PGS.TS Phạm Bá Nha bày tỏ.