Mẹ Bống (Nam Từ Liêm, Hà Nội) (hoahong*****)
Con tôi năm nay 14 tuổi. Mới đây, bạn cháu mách với tôi rằng cháu cùng 3 bạn khác (cả nam và nữ) đi vào nhà nghỉ. Biết tin tôi rất bất ngờ. Về nhà tôi hỏi cháu thì cháu thừa nhận có vào đó cùng cả nhóm bạn, mục đích là thuê phòng có wifi, gửi bài tập vì thời gian gấp quá.
Tôi có hỏi một số vấn đề tế nhị khác thì cháu nói, ngoài làm bài tập các cháu không làm gì khác. Tôi rất lo lắng vì các cháu đang tuổi đến trường, cơ thể đang phát triển.
Bác sĩ tư vấn giúp, tôi nên khuyên con như thế nào ở độ tuổi này. Vì mỗi lần nói chuyện con rất hay cáu gắt, lảng chuyện khác hoặc cố tình không nghe. Tôi rất lo nếu mình to tiếng, con dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó có suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (BV Nhi Trung ương) sẽ có những tư vấn về tình huống này:
Trường hợp này sự lo lắng của người mẹ là có cơ sở. Điều tích cực ở đây là trẻ đã thành thật với mẹ về việc vào nhà nghỉ thay vì nói dối rằng không có chuyện đó xảy ra.
Sự dò hỏi của người mẹ về các vấn đề tế nhị (điều mà người mẹ đang lo lắng) có thể vô tình khiến trẻ hiểu rằng bản thân không được tin tưởng. Sẽ rất khó để khuyên trẻ bất cứ điều gì khi chúng ta chưa thật sự hiểu tình huống, đặc biệt trong tình huống chúng ta vẫn còn có những nghi hoặc về sự thành thật của con mình.
Có thể trẻ đã nói đúng và mẹ đã lo lắng thái quá khi chưa đặt niềm tin vào con gái mình. Ngược lại, cũng có thể trẻ lựa chọn chưa nói hết câu chuyện với mẹ vì sợ phải đối diện với những phản ứng tiêu cực của bố mẹ.
Trong tình huống này, điều mà tôi có thể gợi ý cho bà mẹ là thay vì tìm cách để khuyên bảo trẻ như một người đi trước, cha mẹ hãy cố gắng lùi lại đi cùng con, đồng hành cùng con như vai trò của người bạn.
Tôi tin khi cha mẹ có sự lắng nghe, cởi mở, không áp đặt, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Kinh nghiệm khi ngồi tại phòng khám của chúng tôi cho thấy, phần lớn trẻ thu mình, khép kín và ngại chia sẻ với phụ huynh, luôn có những sự phàn nàn về việc “người lớn trong gia đình thiếu sự lắng nghe”/ “bố mẹ chỉ muốn cháu làm theo ý bố mẹ”.
|
Phụ huynh cần bình tĩnh, tìm hiểu mọi chuyện trước khi đưa ra phán quyết với trẻ. |
Khi bắt đầu bước vào lứa tuổi vị thành niên, trẻ có những thay đổi rất lớn về thể chất và tâm sinh lý. Ở độ tuổi này, trẻ đang trong quá trình phát triển độc lập và giảm bớt sự phụ thuộc vào cha mẹ. Trong khi con trẻ đang ngày một trưởng thành hơn thì nhiều phụ huynh vẫn giữ phong cách giáo dục với con như giáo dục một đứa trẻ, đó là sự bao bọc hoặc quá áp đặt.
Những điều này có thể vô tình tạo cho trẻ cảm giác bị kìm kẹp, cảm giác mình vẫn chưa lớn. Điều đó khiến trẻ cảm thấy khó chịu, dễ bị cáu gắt, ức chế hoặc thậm chí luôn làm trái lại những yêu cầu của người lớn.
Đặc biệt, nếu sự kìm kẹp, bao bọc ấy tồn tại trong một thời gian dài, gây ức chế tâm lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, lối sống của trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà người lớn không thể ngờ tới. Vì thế, người lớn hãy lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu trẻ. Ngay cả việc trẻ vào nhà nghỉ cùng với bạn khác giới cũng phải nhẹ nhàng, tìm hiểu cặn kẽ mọi chuyện, không nên dồn ép, áp đặt hay cấm đoán trẻ.
Trong trường hợp cha mẹ đã rất cố gắng nhưng hiệu quả không như mong đợi, khoa Sức khỏe Vị thành niên có thể là một địa chỉ tin cậy để cha mẹ có được sự trợ giúp của các nhà chuyên môn.