Bé N.L.T.H. (4 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP.HCM) được ba mẹ đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục nhưng bé lúc nào cũng run lạnh, tím tái, tiểu ra máu. Với những dấu hiệu ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bé có thể đang mắc sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết.
Tuy nhiên qua chỉ số xét nghiệm bạch cầu trong nước tiểu tăng cao (6-8 tb/QT40), cũng như chỉ số CRP trong máu dương tính (19.8 mg/L) đã cho thấy bé đang bị viêm bàng quang. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bé nhập viện, theo dõi và điều trị với chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu.
Khi nghe tới nhiễm trùng tiểu, bố mẹ của H. đều bất ngờ. Theo mẹ của bé, gần đây mỗi lần con đi vệ sinh tiểu tiện, đại tiện bé đều tự làm. Mẹ của bé dạy con cách sử dụng giấy mỗi lần đi đại tiện vì sợ con đi học không tự vệ sinh được. Tuy nhiên, bé quá nhỏ chưa biết vệ sinh đúng cách đã vô tình đưa vi khuẩn từ hậu môn ngược lên đường tiểu. Các bác sĩ cho biết bé gái đường niệu đạo ngắn hơn và gần hậu môn hơn so với bé trai, do đó vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn, gây viêm bàng quang.
Một trường hợp khác, bé L.T.L (5 tuổi, Đồng Nai) chỉ sốt nhẹ, họng không loét, tỉnh táo. Bé rất sợ đi tiểu tiện, mỗi lần đi tiêu là con khóc. Vì sợ đi tiểu bé cũng sợ uống nước. Bé nói với mẹ rằng đi tiểu bị đau buốt.
Bố mẹ đưa bé đi kiểm tra, xét nghiệm bác sĩ thấy chỉ số bạch cầu của bé L. cũng đặc biệt cao. Kết quả siêu âm bụng cho thấy thận phải của bé có dấu hiệu ứ nước độ II, và cần theo dõi bé trong tình trạng viêm bàng quang.
|
Ảnh minh hoạ. |
BSCK II Nguyễn Thị Bích Ngọc – Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, cho biết nhiễm trùng đường tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải.
Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ người lớn mới mắc nhiễm trùng tiểu nên khi nghe con họ bị bệnh này bố mẹ đều bất ngờ.
Tuy nhiên, nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ dễ bị bỏ qua bởi mọi người luôn nghĩ trẻ còn quá nhỏ, lại có các dấu hiệu không rõ ràng. Nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển và để lâu dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Ngọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ, nhất là khi vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu, gây viêm sẽ xảy ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, viêm bể thận hoặc viêm bàng quang.
Thủ phạm gây viêm là khuẩn E.Coli, Klebsiella, Pseudomonas Aeruginosa… Nước tiểu bình thường là vô trùng, không có vi khuẩn nhưng khi vi khuẩn thâm nhập có thể âm thầm gây bệnh, đi lên niệu đạo vào bàng quang, sinh sôi và phát bệnh.
Có 2 loại nhiễm trùng tiểu cơ bản: Nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận. Nếu nhiễm trùng trong bàng quang, nó có thể gây phù nề niêm mạc và gây đau, gọi là viêm bàng quang. Nếu vi khuẩn đi lên từ bàng quang qua niệu quản đến thận gây nhiễm trùng thận, hay còn được gọi là viêm đài bể thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn nhiễm trùng bàng quang và có thể gây hại cho thận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Dấu hiệu trẻ viêm đường tiết niệu: Trẻ nóng sốt hoặc ngược lại là hạ thân nhiệt dưới 36 độ, bú kém, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đôi khi vàng da kéo dài…. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sẽ có biểu hiện sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, biếng ăn, còn ở nhóm lớn hơn, đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt nhắt, nước tiểu có màu đục, thậm chí có trẻ tiểu ra máu.
Bác sĩ Ngọc cho biết phòng ngừa nhiễm trùng tiểu cho trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, sau mỗi lần đi tiêu, đi tiểu nên vệ sinh và lau chùi đúng cách, không lau từ sau ra trước, do lỗ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau. Nên vệ sinh phải lau từ trước ra sau để không đưa vi khuẩn từ đường tiêu hóa vào đường niệu. Nếu còn mang bỉm, nên thường xuyên kiểm tra tã lót và nên thay tã ngay sau khi trẻ đi tiểu và đại tiện.
Tạo thói quen cho trẻ, không nên để trẻ nhịn tiểu và nhịn uống nước, nhất là tình trạng nắng nóng vì nước vô cùng quan trọng, bởi nước tiểu làm nhiệm vụ thải cặn bã, độc tố của cơ thể ra ngoài. Nhiễm trùng đường tiểu nếu phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.