|
Da gà chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho người bị cao huyết áp. Ảnh: Duy Anh.
|
Nhiều người cho rằng da gà, vịt chứa nhiều calo, không tốt cho sức khỏe, cần loại bỏ hoàn toàn trong quá trình chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, calo trong da gà và thịt gà không có khác biệt quá lớn.
"Calo trong da gà nhiều hơn một chút so với lượng calo trong da vịt. Da gà cũng có thể gây hại cho sức khỏe con người bởi hàm lượng chất béo bão hòa cao", bác sĩ Vũ thông tin.
Thực tế, 30 gram da gà chứa 8 gram chất chất béo chưa bão hòa và 3 gram chất béo bão hòa. Do vậy, bác sĩ Vũ khuyến cáo những người bị cao huyết áp nên hạn chế ăn phần da của gia súc, gia cầm.
Da gà cũng chứa nhiều omega-6 hơn các loại thịt khác, do đó sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm trong cơ thể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia thông tin nhiều nghiên cứu hiện nay đã khẳng định da gà không hoàn toàn là thực phẩm xấu. Nếu sử dụng đúng cách, da gà vẫn có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe. Dù vậy, mọi người chỉ nên ăn lượng vừa phải.
Không chỉ có tác dụng tương tự da gà, da vịt còn là nguồn cung cấp glycine, một loại acid amin quan trọng, có thể chữa lành vết thương, giúp ngủ ngon... Mỗi 100 gram thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1.614 mg loại acid amin này.
Thịt vịt vị ngọt, mặn, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc. Người cơ thể suy nhược, sốt, chán ăn, thể trạng gầy yếu dùng thịt vịt bồi bổ rất tốt.
Thịt vịt đực, nấu nhừ với gạo tẻ thành cháo, thêm vỏ quýt, gừng, hành trắng, muối, ăn hàng ngày chữa nóng trong, miệng khô háo khát, đi tiểu nhiều ở người cao tuổi.
Thịt vịt (100-200 gram) hầm với gừng tươi, ăn làm thuốc bổ âm, bổ dạ dày, giải độc, trừ tả lỵ, với nhân hạt hồ đào và đường phèn, ăn liên tục 3 ngày, chữa thở khò khè.
Thịt vịt kết hợp với đông trùng hạ thảo hoặc hạt khiếm thực (15 gram) chữa tiểu đường; kết hợp với sa sâm (30 gram), ngọc trúc (30 gram), chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy.