Trao đổi với Dân trí về vấn đề triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nêu quan điểm, chúng ta chưa nên quá vội vàng trong việc tiêm vaccine cho trẻ em ở thời điểm hiện tại.
"Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, bước đầu chúng ta chỉ nên tiêm vaccine cho các trẻ em có nguy cơ cao trước dịch như trẻ béo phì, mắc các bệnh lý nền, chưa vội tiêm đại trà cho trẻ em", PGS Hùng cho hay.
|
Trẻ em có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 thấp hơn người lớn (Ảnh minh họa). |
PGS Hùng chỉ ra các lý do chính cho quan điểm này:
Thứ nhất, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ghi nhận qua các vụ dịch là rất thấp. Cùng với đó, hầu hết trẻ khi mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Tại Việt Nam, các trường hợp trẻ em tử vong vì mắc Covid-19 đều là trẻ béo phì hoặc có bệnh lý nền nặng.
Bên cạnh đó, loại vaccine được chứng nhận có thể tiêm cho trẻ em hiện nay là rất hạn chế. Việc nghiên cứu cũng được thực hiện rất gấp rút nên cần thận trọng và đánh giá kỹ các yếu tố rủi ro trong việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Nguồn vaccine ở Việt Nam vẫn đang hạn chế, nhiều tỉnh thành chưa đạt được tiêu chí về độ bao phủ vaccine cho người dân trên 18 tuổi, đặc biệt là người già trên 50 tuổi. Do đó, nguồn vaccine hiện tại nên tập trung cho những đối tượng này để chuyển các tỉnh thành vùng xanh, phục vụ mục tiêu tái hồi phục các hoạt động kinh tế, xã hội hướng đến trạng thái "bình thường mới", cùng với đó hạn chế thấp nhất những tổn thất về sức khỏe do dịch bệnh gây ra.
"Điều cấp thiết hiện nay là tiêm vaccine cho đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền", PGS Hùng nhấn mạnh.
Về một số ý kiến cho rằng việc bao phủ vaccine sớm cho trẻ em là tiền đề cho việc mở cửa trường học, theo PGS Hùng các tiêu chí mở cửa trường học trở lại không thể chỉ dựa vào tỷ lệ tiêm vaccine ở học sinh. Tại nhà trường, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc áp dụng chặt chẽ các biện pháp 5K.
"Cần xác định rằng, mục đích chính của việc tiêm vaccine là giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, chứ không phải là ngăn ngừa lây nhiễm. Nếu trẻ em được tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 và lây truyền cho người khác. Nếu nhà trường áp dụng chặt các quy định liên quan đến 5K như giám sát ho sốt, khẩu trang, khai báo… vẫn sẽ đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đồng thời giám sát phát hiện và thông báo sớm các trường hợp trẻ ho, sốt hoặc gia đình trẻ có người ho, sốt. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh có vai trò rất quan trọng", PGS Hùng nhấn mạnh.
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi một từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam nhấn mạnh quan điểm, khi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, cần đặc biệt cân nhắc vấn đề nguồn cung vaccine cho các tỉnh có độ bao phủ vaccine thấp và đang đứng trước nguy cơ bùng dịch cao. Theo chuyên gia này, trong bối cảnh nguồn cung vaccine ở Việt Nam đang hạn chế. Chiến lược vaccine vẫn cần ưu tiên hàng đầu cho nhóm người có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.
"Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, độ bao phủ vaccine vẫn còn thấp, đặc biệt, trong thời gian gần đây dịch có dấu hiệu "nóng" lên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chiến lược tổng thể về vaccine hiện tại vẫn cần phải dồn nguồn vaccine để bao phủ sớm nhất có thể cho người cao tuổi, người có bệnh nền để hạn chế tối đa tổn thất về sức khỏe, tính mạng mà dịch bệnh gây ra", TS Thu Anh phân tích.