Thời gian qua, thông tin hàng loạt trẻ nhiễm sán đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do ăn phải thịt lợn bẩn, thịt lợn nhiễm sán...
|
Rau sống không đảm bảo vệ sinh là món ăn mang theo mầm bệnh nguy hiểm (ảnh minh họa) |
Tuy vậy theo nhiều chuyên gia, trên thực tế, thịt lợn không phải là thực phẩm duy nhất chứa ấu trùng sán và nếu có thì nó cũng không nguy hiểm như ấu trùng sán ở một số loại thực phẩm khác như rau cỏ, đặc biệt là rau sống.
Món ăn rất được yêu thích
Rau sống là một loại thực phẩm rất được ưa chuộng của người Việt bởi không mất quá nhiều thời gian chế biến và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Cụ thể, rau sống cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
97% rau sống nhiễm giun, sán
Tuy nhiên, nếu rau sống không đảm bảo vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc chưa ủ kỹ, trồng dưới ao hồ nước tù đọng ô nhiễm như các loại rau muống, rau dút, rau cần, rau cải... sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định) thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh nguy hiểm như dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mãn tính.
Kết quả khảo sát từ đề tài nghiên cứu Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống do bộ môn Ký sinh trùng (KST) thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (TTĐT-BDCBYT) thực hiện và báo cáo cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại KST trên rau là rất cao: 97,12% (101 mẫu) với các loại KST nhiễm chủ yếu gồm: bào nang amip (E.histolytica; E.coli) trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó mèo và ấu trùng giun.
Hiện nay, do người trồng rau chạy theo lợi nhuận nên trong rau sống có nhiều gia đình vẫn sử dụng phân tươi tức là chưa được ủ sẽ giúp kích thích rau tăng trưởng nhanh. Vì vậy, do ăn rau sống không được rửa sạch sẽ đưa vào cơ thể người nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm, trong đó có khuẩn đơn bào đặc biệt là sán.
Từ phân người bệnh ra môi trường ngoài, xuống nước, qua ốc phát triển thành ấu trùng đuôi. Vì vậy, người chỉ là vật chủ ký sinh tình cờ do khi ăn thực vật sống dưới nước như rau ngổ, rau rút, rau cần; ăn ốc khi đun nấu ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt; ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi mà trong nước có ấu trùng sán lá gan.
Trong môi trường tự nhiên, trứng sán nở thành ấu trùng lông ký sinh trong ốc rồi phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, vào nước và bám vào các loại thực vật sống trong nước như các loại rau cần, rau muống, rau dút, rau cải...để trở thành các nang trùng. Khi người ăn, uống phải các nang trùng này bám trong các loại rau sống trên sẽ dễ bị bệnh.
Chọn rau sống thế nào?
Theo các chuyên gia, để có thể lựa chọn được rau sống đảm bảo, mọi người cần mua tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị uy tín và có sự kiểm dịch của các cơ quan chức năng.
- Không nên mua rau có màu sắc quá xanh, quá non, mỡ màng vì có thể được sử dụng nhiều phân, đạm. Không chọn mua rau đã úa vàng hay bị nhũn vì chúng đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy.
- Nếu có điều kiện thì nên tự trồng và chăm bón rau trong vườn nhà, sân thượng, thùng xốp. Không dự trữ rau quá lâu trong tủ lạnh vì sẽ mất chất dinh dưỡng.
Chú ý khi rửa và chế biến rau
Với các loại rau lá như xà lách, rau má, diếp cá… thì cần rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước sạch để loại bỏ vi trùng, trứng giun, sán, thuốc trừ sâu một cách tốt nhất. Sau đó ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút.
Với các loại quả như cà chua, dưa leo… thì mới mua về không nên ăn ngay vì thường được phun thuốc bảo vệ thực vật. Các loại quả này nên cho vào túi ni lông, bỏ ngăn mát tủ lạnh 2 ngày rồi sau đó mới ngâm nước muối, rửa sạch và sử dụng.