Vừng có 2 loại là vừng đen và vừng trắng, miền Nam thường gọi là mè. Về giá trị dinh dưỡng cùng thành phần hóa học, giữa vừng đen và vừng trắng không có khác biệt nhiều, nhưng vừng đen thường được dùng làm thuốc.
100mg vừng đen sinh 560 calo, có thành phần như sau: 7,2g nước; 19g protein; 50g lipit; 18g gluxit; 780mg photpho; 620mg kali; 1257mg canxi; 347mg magiê; 1,1mg đồng; 11,5mg sắt; 3,1mg mangan; 5mg nicotinamid. Ngoài ra, còn có lecithin, phytin, chlin.
100g vừng trắng sinh 587 calo, có thành phần như sau: 7,2g nước; 25g protein; 55g lipit; 6,9g gluxit; 702mg photpho; 423mg kali; 71mg canxi; 220mg magiê; 1mg đồng; 4,3mg sắt; 2,2mg mangan; 6mg nicotinamid. Sau đây là một số món ăn, bài thuốc từ vừng.
Chữa táo bón: Hạt vừng đen 300g rang chín, giã nhỏ, rây bột, lá cối xay 300g thái nhỏ, nấu với 2 – 3 lần nước rồi cô thành cao đặc. Trộn bột với cao, làm thành bánh 5g. Ngày dùng 2 bánh, hãm với nước sôi, uống sau bữa ăn. Hoặc hạt vừng đen 20g, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm mỗi vị 16g; thạch hộc 12g. Tất cả phơi khô, sao vàng, tán bột, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên, ngày uống 10 – 20g.
Thuốc an thần, gây ngủ: Hạt vừng đen 40g rang chín, hạt đỗ đen 40g sao; hạt muồng 20g sao, lá vông 40g; lá dâu non 40g, lạc tiên 20g, vỏ núc nắc 12g sao với rượu. Tất cả làm khô, giã nhỏ, rây bột mịn, thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.
Chữa tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu: Hạt vừng đen, rễ hà thủ ô đỏ, rễ ngưu tất mỗi vị 100g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ rây bột mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g.
Giữ cho da đẹp và tóc lâu bạc: Vừng đen 500g đem phơi khô, sao chín, tán ra bột, cho vào lọ sạch dùng dần. Khi ăn, cho 1 – 2 thìa bột vừng vào bát, cho thêm đường tùy theo khẩu vị.
Chữa đầy trướng bụng: Lấy vừng đen giã nhỏ nấu cháo và cho vào vỏ quýt khô. Khi ăn nêm một ít muối vừa miệng. Ăn vài lần sẽ khỏi.
Chữa thiếu sữa: Lấy 30g vừng đen giã nhỏ, cùng với gạo tẻ (50 – 60g) cho vào nước nấu nhừ thành cháo mà ăn. Món cháo này vừa có tác dụng lợi sữa, vừa nhuận tràng, thích hợp với phụ nữ sau khi sinh bị táo bón và không đủ sữa cho con bú. Hoặc vừng 30g giã nhỏ, tằm rang khô 10g nghiền vụn (có thể theo tỷ lệ này làm nhiều, bảo quản tốt để dùng dần). Cả hai thứ đem trộn với đường đỏ (vị vừa ăn), đổ nước sôi vào, đậy nắp kín, sau 10 phút thì uống. Mỗi ngày uống 1 lần lúc đói. Chỉ uống 2 ngày là sữa bắt đầu ra, uống sau 4 ngày thì sữa ra đều và đủ cho con bú.
Chữa viêm mũi mãn tính: Lấy một ít dầu vừng đem đun sôi, giữ nhỏ lửa cho sôi nhẹ 15 phút. Khi nguội, đổ dầu vào lọ sạch có nút kín, dùng dần. Ngày nhỏ mũi 3 lần; mới đầu chỉ nhỏ 2 – 3 giọt, khi đã quen thì tăng lên 4 – 5 giọt. Sau khi nhỏ thuốc không cử động mạnh 2 – 3 phút cho dầu lan ra ngấm kỹ vào niêm mạc mũi.
Chữa chân tay đau buốt hơi thũng: Đây là chứng do thấp nhiệt thâm nhiễm làm chân tay đau buốt và hơi thũng. Cách chữa: Lấy 40g hạt vừng đen, rang có mùi thơm, tán bột, đổ vào 40g rượu, ngâm trong một đêm, chia đều uống nhiều lần, bệnh sẽ giảm dần và khỏi.