Con gái thứ hai lấy chồng thì ở đằng nhà chồng theo lệ thường. Chàng rể đầu tên là Phương, công chức trong ngành giáo dục. Khi mới về ở rể, anh ta có vẻ nề nếp, chỉn chu, làm việc gì cũng gọn ghẽ, sạch sẽ.
Ông Tuynh mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng nhà mình thế mà may mắn, con gái mình vốn lười biếng, luộm thuộm, thì nay vớ được thằng chồng ngược lại, ngăn nắp, vệ sinh. Các cụ có câu, thế gian được vợ hỏng chồng, mọi sự luôn cân đối cả.
Lúc đầu, khi con rể về ở nhà bố mẹ vợ, anh ta thấy mọi thứ bừa bộn quá, bèn làm một cuộc “đại cách mạng”, bố trí lại cách sắp đặt mọi vật dụng trong nhà, mua sắm thêm các dụng cụ hỗ trợ việc nhà như máy hút bụi, máy rửa bát, các giá treo quần áo mới…
Vợ chồng ông Tuynh càng mừng, khen con rể hết lời mỗi khi có ai đó đến thăm nhà, phát hiện ra những điều mới mẻ trong nhà ông bà.
|
Ảnh minh họa. |
Duy có một điều thật khó đổi thay, ấy là thói lười của cô Thịnh, con gái cả của ông bà Tuynh. Dù chồng cô có sắm hai bộ giá mắc áo trong phòng khách và phòng ngủ, thì mỗi khi thay quần áo, cô vứt tuột luôn lên vai ghế, lên xô pha, thậm chí vo tròn rồi ném xuống góc phòng ngủ. Quần áo mặc dở của cô vương vãi khắp nhà, trên giường dăm ba chiếc áo quần lót, trên ghế cái áo khoác, trên sàn váy vóc quấn cả vào chân… Chồng mới tình còn nồng nàn, nên cứ thấy quần áo vợ rơi không đúng chỗ thì nhặt hộ, đôi khi nhắc khéo. Nhưng cô Thịnh mặc kệ, không thay đổi.
Nhắc vợ mãi không xong, anh chồng đành chào thua. Anh để mặc quần áo vợ vương vãi, đã thế, anh lại cũng không dọn bát đũa vợ ăn xong để nguyên trên bàn, những thứ vỏ trái cây, hạt trái cây vợ nhằn ra trên mặt bếp, mặt bàn ăn, ruồi muỗi bu, kiến kéo đến hàng đàn, anh cũng không dọn.
Chẳng phải anh dần chán vợ, mà bỗng dưng anh thấy, lười cũng có cái hay, đó là không phải bận rộn chân tay suốt thời gian. Dùng xong cứ vứt bừa ra, cuối tuần dọn một thể, tiết kiệm thời gian hơn là ngày nào cũng tất bật dọn dẹp. Bận rộn dọn dẹp, nhà cửa ngăn nắp gọn gàng thì cuộc sống có gì thay đổi nào?
Ông Tuynh ngạc nhiên khi càng ngày, ông càng thấy con rể lười hơn. Ăn cơm xong, con rể và con gái bỏ mặc bát đũa trên bàn không dọn dẹp, ra ngay phòng khách xem ti vi. Vợ ông đành lúi húi dọn. Thương vợ, ông vào làm giúp cùng bà, nhưng nể con rể, nên không dám trách nó.
Lâu dần, ông bà Tuynh còn phải giặt giũ quần áo, lau nhà, đổ rác. Con gái và con rể đi làm về chỉ việc ăn, xem tivi rồi lên giường. Ông Tuynh bực lắm, ông phàn nàn với vợ mỗi khi con rể ra khỏi nhà.
Có lần, ông bảo thẳng con gái, là hai vợ chồng con nên ý thức hơn một tý, chia sẻ việc nhà với bố mẹ chứ, ai lại để bố mẹ làm hết, phục dịch cơm nước như Osin vậy. Cô Thịnh chỉ cười trừ, rồi đâu vẫn hoàn đấy. Quả thực, ông bà Tuynh giờ như hai người phục vụ, quản gia, bảo mẫu trong gia đình, khi cô Thịnh sinh em bé.
Có lần, ông Tuynh bực quá, khi con rể vừa vứt bộ quần áo đang mặc xuống sàn, ông bảo thẳng: “Này, anh tự dọn tự giặt đồ nhé, bố không dọn cho anh đâu!”. Con rể nhăn răng cười, y như vợ anh ta, mà rằng, việc gì bố phải dọn, bố cứ để đó, cuối tuần con dọn. Ông Tuynh thử để đó, mọi việc nguyên xi thế nào thì cứ như thế, nhưng đến ngày thứ ba, thấy bát đũa ùn lên bốc mùi, ruồi giấm bay đầy nhà, quần áo vun thành đống trên sàn, ông đi chẳng may vấp ngã, thì ông lại lui cui đi dọn vậy, không thể để đến cuối tuần chờ con rể dọn được.
Có lẽ, ông phải kiên quyết một lần cho xong, ông bàn với bà Tuynh, sau khi cháu ngoại đầy năm, ông sẽ tống cổ vợ chồng con cái chúng ra ở riêng, cho rảnh nợ đời!