Ngày 7/4, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận thành công cho một bé trai 9 tuổi, quê Bình Thuận.
Trước đó tháng 1/2020, bé thường xuyên bị mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém. Ba tháng sau, bé được chẩn đoán suy thận mạn sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để đặt thẩm phân phúc mạc. Mỗi ngày thực hiện 4-5 lần nhưng phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, xơ hóa màng bụng trong thời gian dài. Các bác sĩ nhận định ghép thận là giải pháp tốt nhất để bé tiếp tục cuộc sống bình thường.
Với tình phụ tử cao cả, tháng 9/2020, người cha 37 tuổi quyết định hiến 1 bên thận để cứu con. Sau 3 lần trình bệnh án trước hội đồng hội chẩn ghép thận, ca phẫu thuật lấy - ghép thận của 2 cha con được thông qua.
Các bác sĩ đang hội chẩn để ghép thận cho bệnh nhi.
Ngày 23/3/2021, ê-kíp các bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp tiến hành ca lấy và ghép thận. Sau gần 5 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật kết thúc thành công.
Một giờ sau ca mổ, bệnh nhi có nước tiểu, thận ghép bắt đầu hoạt động. Sau một ngày, các bác sĩ rút nội khí quản, ống dẫn lưu và thông niệu đạo. Sau 1 tuần ghép, hiện sức khỏe bé ổn định, phục hồi tốt. Cha của bé cũng đã được xuất viện, chức năng thận hồi phục.
Dự kiến sau 6 tháng, bé có thể trở lại trường và có cuộc sống gần như bình thường.Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần được theo dõi sát và khám định kỳ để phòng nguy cơ thải ghép, nhiễm trùng.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay điều đặc biệt trong ca mổ này là sự chênh lệch lớn giữa trọng lượng người cho và nhận. Bệnh nhi chỉ cao khoảng 1 m, thận rất nhỏ. Trong khi đó, thận của người cha to gấp 2 lần. Việc đưa quả thận lớn vào bụng bệnh nhi không dễ dàng. Các tình huống này đã được ê-kíp bác sĩ dự trù và đặt thành công quả thận trong vào ổ bụng bé. Thời gian cho phẫu thuật cũng mang tính đột phá so với ca ghép thận trước đây.
Theo các bác sĩ, bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối thì ghép thận sẽ giúp bé trở về cuộc sống gần như bình thường so với các phương pháp điều trị thay thế khác (lọc máu hoặc phân phúc mạc). Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện còn 60 bệnh nhi suy thận phải chạy thận nhân tạo. Trung bình chi phí một ca ghép thận là 200 triệu đồng, chưa bao gồm BHYT. Toàn bộ chi phí ca phẫu thuật của bé trai 9 tuổi ở trên được bệnh viện vận động nhà hảo tâm tài trợ.
Hiện bệnh viện đang khẩn trương xây Trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao (khởi công vào đầu tháng 7 tới) và sẽ tiến hành các kỹ thuật ghép tạng như gan, tế bào gốc… Được biết ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào năm 1987.