Tham gia "Hội thảo Điều trị bệnh lý tim mạch và đái tháo đường" trong khuôn khổ "Triển lãm y tế quốc tế lần thứ 12" (diễn ra tại TP.HCM), thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, khoa tim mạch - Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, cho biết nhồi máu cơ tim là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng hoại tử một vùng cơ tim do thiếu máu đến nuôi.
Dựa vào điện tim đồ người ta chia ra 2 loại nhồi máu cơ tim: nhồi máu cơ tim ST chênh (vùng cơ tim thiếu máu đến nuôi tuyệt đối, cơ tim sẽ hoại tử xuyên thành từ nội tâm mạc đến ngoại tâm mạc), nhồi máu cơ tim ST không chênh (vùng cơ tim chỉ thiếu máu nuôi một phần thì chỉ vùng cơ tim ở nội tâm mạc thiếu máu).
Nguyên nhân gây bệnh
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành phải hoặc trái bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần do cục máu đông gây lấp mạch hoặc do mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch vành. Trong nhồi máu cơ tim thể ST chênh, 90% là do cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch vành.
Trong nhồi máu cơ tim thể ST không chênh phần lớn là do mảng xơ vữa không ổn định gây ra tình trạng hẹp lòng mạch, hoặc có cục huyết khối nhưng không ra tắc hoàn toàn dòng chảy động mạch vành.
|
Bệnh nhân nghi nhồi máu cơ tim cần được đưa ngay đến cơ sở y tế. Nguồn: medicalnewstoday.com |
Triệu chứng
Triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực với các đặc điểm như:
- Đau bên ngực trái hoặc đau sau xương ức, trong một số trường hợp vị trí đau có thể ở thượng vị như đau dạ dày hoặc chỉ có cảm giác tức ngực.
- Đau dữ dội kèm theo cảm giác bóp nghẹt tim, đau làm bệnh nhân không dám vận động.
- Đau có thể lan ra cánh tay trái,lan ra ngón tay út bên trái, đau lan lên hàm, hay đau nhói ra sau lưng.
- Cơn đau kèm theo cảm giác khó thở, vã mồi hôi.
- Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim, nhưng người bệnh chỉ có cảm giác khó thở, tức ngực nhẹ hoặc cảm giác buồn ói kèm khó thở.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim vùng sau dưới (vùng hoành) thường biểu hiện bằng triệu chứng đau thượng vị, khó thở, buồn ói, nên bệnh nhân và gia đình lầm tưởng là đau dạ dày.
Bệnh nhân có bệnh mạn tính đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, triệu chứng khó thở có thể bị lầm tưởng do phổi. Bệnh nhân đái tháo đường lâu năm, hệ thần kinh giao cảm bị tổn thương nên triệu chứng đau ngực không còn điển hình (chỉ có triệu chứng khó thở, tức ngực nhẹ) nên bệnh nhân không nhận ra. Những lầm lẫn khiến bệnh nhân đến viện muộn, mất đi cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Cách điều trị
Bệnh nhân nghi ngờ nhồi máu cơ tim cần nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, nằm nơi thoáng mát đủ dưỡng khí, tránh sự căng thẳng và kích động.
Nhồi máu cơ tim là bệnh đặc biệt nguy hiểm - có thể gây tử vong tức thì. Do vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có đủ khả năng chẩn đoán và điều trị gần nhất.
Nguyên lý điều trị nhồi máu cơ tim là phải khơi thông trở lại dòng chảy của động mạch vành càng sớm càng tốt. Sự sống còn của cơ tim phụ thuộc vào thời gian cơ tim được tái tưới máu trở lại, nếu tái tưới máu sớm trong 2 tiếng đầu khả năng cơ tim hồi phục gần như hoàn toàn. Ngược lại, nếu để muộn thì dù rằng đã khôi phục được dòng chảy của động mạch vành nhưng cơ tim vẫn chết và không có khả năng hồi phục.
Các phương pháp chính để tái thông dòng chảy động mạch vành: can thiệp động mạch vành qua da, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
Phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng khi bệnh nhân đến sớm và cơ sở y tế này không có phòng thông tim: hiệu quả cao nhất của thuốc khi được sử dụng trong 3 tiếng đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, dù đã được tái thông bệnh nhân cũng nên được chuyển đến trung tâm can thiệp mạch vành trong vòng 3-24 tiếng.
Can thiệp mạch vành qua da là biện pháp triệt để nhằm phục hồi dòng chảy động mạch vành, bệnh nhân được đặt một giá đỡ (stent) vào trong lòng mạch vành.
Mổ bắc cầu động mạch vành thường được làm theo chương trình ở những bệnh nhân mà mạch vành hẹp quá nhiều chỗ không thể can thiệp qua da được, hoặc bệnh nhân có bệnh lý van tim nặng cần sửa chữa đồng thời.