Ốm nghén là một trong những triệu chứng điển hình xuất hiện ở thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Trong thực tế, có đến 80% phụ nữ mang thai trải qua vấn đề ốm nghén. Nhiều người vẫn biết mẹ bầu thường hay nghén nhưng chắc hẳn chỉ ai trải qua mới hiểu được sự khổ sở của giai đoạn này.
Gần đây, một mẹ bầu đã đăng ảnh những bữa cơm hàng ngày của mình lên mạng xã hội. Đặc biệt, những bữa cơm của bà mẹ này chỉ có một bát cơm trắng, một đĩa rau luộc hoặc xào cùng với nước mắm chấm.
|
Mẹ bầu khổ sở vì nghén ngẩm không ăn được gì. |
Liên hệ với mẹ bầu này, cô cho biết mình đang mang bầu 10 tuần. Sở dĩ cô chỉ ăn uống đạm bạc như thế là vì đang trải qua giai đoạn ốm nghén nặng không ăn uống được gì.
“Bắt đầu từ tuần thứ 5 là mình có triệu chứng ốm nghén, ngửi mùi gì cũng thấy muốn ói. Mỗi lần bón cháo cho con lớn ăn là mình phải quay đi chỗ khác. Ngày chỉ cố gắng hai bữa cơm với rau như thế này để lấy sức chứ không sợ xỉu mất”, cô chia sẻ.
Dưới bài đăng của bà mẹ này, nhiều bà mẹ cùng nhau chia sẻ sự khổ sở trong thời kỳ ốm nghén vì không ăn uống được gì, thậm chí nhìn đồ ăn thôi cũng sợ.
“Ngày mình bầu cũng nghén kinh khủng, không ăn được bất kỳ 1 loại thịt nào, cơm hay sữa cũng không ăn không uống được. Suốt 3 tháng chỉ có luộc bún lên để nguội rồi ăn không”, bà mẹ N.A.K chia sẻ.
“Chắc chỉ ai nghén rồi mới hiểu. Hồi bầu mình nhìn đồ ăn chồng ăn thôi cũng muốn nôn chứ đừng nói gì động đũa. Suốt ngày chỉ ăn rau với hoa quả. Nghĩ lại sợ luôn”, một bà mẹ khác bình luận.
Bên cạnh đó, cũng nhiều chị em lo lắng rằng bà mẹ này đang mang bầu mà chỉ ăn thế này thì sẽ không đủ chất cho con.
Trao đổi với bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) về vấn đề này, bác sĩ cho biết: “Nghén là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Dù trong giai đoạn này mẹ không ăn được đồ bổ dưỡng hay bị sụt cân cũng không cần quá lo lắng bởi nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi lúc này không lớn.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên tìm biện pháp hạn chế ốm nghén để đề phòng suy kiệt. Những biện pháp đó bao gồm chia nhỏ bữa ăn hoặc cố gắng uống thêm sữa, vitamin bầu. Những trường hợp nặng không ăn uống được gì thì cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng truyền dịch hoặc xông dạ dày”.