Chào quý độc giả của báo điện tử VietNamNet. Tôi tên Chuyên (45 tuổi) ở Bắc Ninh, làm kinh doanh tự do. Tôi có vài suy nghĩ, mong được chia sẻ đến mọi người
Cuộc sống gia đình tôi không giàu có, chỉ ở mức đủ ăn. Con trai lớn của tôi đã đi làm và lập gia đình riêng. Con trai thứ đang học đại học năm đầu.
|
Ảnh: B.N |
Ngày mới lấy nhau, chúng tôi ở chung cùng bố mẹ chồng. Hai năm sau, tôi bàn với chồng xin ra riêng. Ban đầu ở riêng vất vả nhưng tôi thấy rất thoải mái. Kinh tế khó khăn nhưng nhờ đó vợ chồng có nghị lực để vươn lên.
Sau mười năm lấy chồng, tôi mua đất, xây nhà khang trang. Cuộc sống gia đình ổn định. Toàn bộ tài sản chúng tôi tự làm ra. Vợ chồng tôi không nhờ vả hay phụ thuộc vào bố mẹ hai bên.
Mấy năm trước, bố mẹ chồng tôi bán mảnh đất, được khoảng 1 tỷ đồng. Các cụ định chia cho con nhưng chúng tôi khuyên họ nên gửi tiết kiệm, lấy tiền dưỡng già.
Ngày trước, bố mẹ chồng tôi nghèo, chẳng dư dả gì. Từ ngày con cái trưởng thành, cuộc sống thảnh thơi hơn. Giờ về già, các cụ không có lương hưu nhưng nhờ có khoản tiền tiết kiệm bán đất, họ lấy tiền lãi chi tiêu. Ngoài ra, mẹ chồng tôi bán thêm dưa cà, mắm muối.
Nhìn chung cuộc sống thoải mái, muốn ăn uống, mua sắm gì đều tự quyết định. Chúng tôi phận làm con, vẫn chăm sóc tận tình nhưng không phải lo đi làm nuôi bố mẹ già.
Trong khi đó, bà cô tôi đang sống cảnh phụ thuộc con cái. Thời trẻ, bà lao đầu vào làm ăn đến gầy mòn cả người. Bà luôn tâm niệm, gom góp tài sản, mua đất đai cho con lấy vợ. Vì nhà có mỗi mụn con nên bà ra sức vun vén.
Sau này con trai trưởng thành, bà có bao nhiêu tài sản, đều chuyển hết cho con mà không giữ lại cho mình một quyển sổ tiết kiệm nào.
Bà còn sang tên cho con mảnh đất và căn nhà của mình. Cậu con trai thế chấp luôn ngân hàng, lấy tiền đầu tư kinh doanh. Bà trở thành người sống phụ thuộc hoàn toàn vào con cái.
Bà muốn mua gì, phải xin con từng đồng. Nhiều lần, bà gọi điện cho tôi, xin cái thẻ điện thoại 50 nghìn liên lạc.
Tôi thấy cuộc đời của nhiều bậc cha mẹ như vòng luẩn quẩn. Tuổi trẻ làm việc cật lực, gom góp hết tiền của cho con, không có thời gian nghĩ cho bản thân. Về già sống cảnh phụ thuộc kinh tế.
Con cái hiếu thuận thì không sao. Con cái sống ích kỷ, bạn chỉ còn biết khóc thầm từng đêm.
Các cụ từ xưa đã đúc kết: “Một mẹ nuôi được 10 người con, 10 người con chưa chắc nuôi nổi 1 mẹ”.
Ngày bé, con ở với mình, suy nghĩ đơn giản nhưng đến lớn chúng liệu có chu toàn được với bố mẹ hay không? Trước khi rơi vào cảnh hụt hẫng vì con cái thiếu quan tâm, mình hãy tự thương lấy thân.
Ngay từ lúc còn trẻ, khỏe, chúng ta hãy chịu khó làm lụng, để có tiền tích lũy khi về già. Lúc ốm đau, nếu không muốn phiền con cái, chúng ta có thể nhờ cậy đến các nhân viên y tế, giúp việc hoặc các dịch vụ dưỡng lão.
Việc không cho hoặc chỉ cho các con một phần khi vào đời, sẽ giúp chúng có nghị lực vươn lên. Không ỷ lại hoàn toàn vào bố mẹ. Đồng tiền chúng kiếm được nhờ lao động sẽ được chi tiêu vào những việc đúng đắn.
Trên thế giới, nhiều tấm gương tỷ phú giàu có đã không để lại tài sản cho con mà dùng tiền đó làm từ thiện như: Bill Gates, Warren Buffett...
Các tỷ phú làm như vậy không phải họ không yêu thương con mình.
Họ muốn con cái của mình tự lập, trưởng thành và học cách vật lộn với cuộc sống. Song song với đó là khuyến khích con làm việc chăm chỉ, sẵn sàng hứng chịu thất bại và tìm thấy niềm vui khi gặt hái thành công.
Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Làm thế nào để về già được sống tự do, hạnh phúc, bớt phụ thuộc con cháu? Hãy gửi cho chúng tôi ý kiến của bạn bằng cách viết vào phần bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên mục Đời sống của báo. Trân trọng cảm ơn.
|
Độc giả Phạm Chuyên