Có lẽ vì thế nên cô dễ dàng rơi vào lưới tình của Bằng - công chức của một viện nghiên cứu, ví tiền không rủng rỉnh nhưng là “triệu phú thời gian”.
Người đàn bà khi yêu chân tình thì nào có câu nệ gì chuyện giàu nghèo của người yêu. Cô tin là Bằng có tình cảm thật sự với mình, rằng anh đã chán ngán người vợ chỉ coi đồng tiền là quan trọng. Tất cả sự ấm áp của một người đàn bà - mà chồng không màng đến - cô đem trao cho người tình. Thành ra, Bằng rất sung sướng. Chưa bao giờ anh ta được chiều chuộng như thế.
Vậy nhưng, ngược lại với tấm chân tình của cô, Bằng chỉ coi cô như là “rau sạch”. Rảnh rỗi, Bằng lên mạng, chia sẻ với đám đàn ông cùng rảnh và ham vui cơ hội may mắn này. Họ nhất trí đặt cho cô cái biệt danh “rau rừng”. Có cậu bạn đề nghị được… thưởng thức. Bằng dễ dãi gật đầu luôn, chỉ đòi trả “bản quyền” là một bữa nhậu.
Bận ấy, cô khóc nức nở khi tỉnh dậy, thấy mình không tấm vải che thân, bên cạnh là người đàn ông xa lạ. Khó khăn lắm mới chắp nối lại ký ức, cô nhớ ra tối qua, mình ngồi với Bằng và một vài người bạn của anh đến khuya. Không hiểu vì sao mình lại bị đẩy đến tình cảnh này nhưng cô vẫn chẳng nghi ngờ gì người tình. Thậm chí, thái độ bình thản của Bằng khi nghe cô kể lại câu chuyện cũng không làm dấy lên trong lòng cô một nỗi hồ nghi nhỏ nào. Bằng an ủi người tình vài câu chiếu lệ, chỉ có vậy cũng đủ làm cô cảm thấy lòng ấm áp. Cô nhanh chóng quên đi “tai nạn” kia, lại bắt đầu nghĩ đến việc nên sắm sửa cho Bằng những gì cho chuyến công tác sắp tới.
|
Cô đau khổ khi biết mình trao nhầm niềm tin cho Bằng nhưng lại không thể quên được anh (Ảnh minh họa) |
Bỗng một hôm, có người bạn học cũ của cô điện thoại muốn gặp cô. Đó là lần gặp đầu tiên của họ sau 25 năm ra trường. Thì ra, cô ấy là vợ một cậu bạn của Bằng, đã “đột nhập” được vào “diễn đàn” của chồng và phát hiện ra “rau rừng” mà nhóm đàn ông bình luận và đổi chác chính là bạn học của mình ngày trước. Cô ấy nhận ra cô nhờ gương mặt trẻ lâu và kiểu tóc 25 năm không thay đổi. Cô bàng hoàng trước thông tin đó. Cô bỗng liên tưởng tới câu chuyện đau lòng kia và chợt hiểu rằng, màn kịch đó do chính Bằng đạo diễn.
Cô đau đớn nói với Thanh Tâm rằng, cô không thể quên được Bằng. Chồng từ lâu không ngó ngàng gì đến vợ và giữa họ có một thỏa ước ngầm là việc ai nấy làm, miễn không ảnh hưởng đến thể diện của người kia. Trong tình thế đó, cô bám lấy Bằng như cái phao cứu sinh.
Thanh Tâm ngạc nhiên khi thấy người đàn bà ở tuổi ngoài 40 mà sao còn ấu trĩ đến thế. Tuy nhiên, Thanh Tâm vẫn nhẹ nhàng phân tích để cô hiểu rằng, bản thân cô đang vi phạm pháp luật. Niềm tin thơ ngây của cô vào người tình xét cho cùng là chuyện của cá nhân cô, song qua lại với đối tượng đang có gia đình, cô không thể tự bào chữa được. Đã có tình với nhau thì chẳng thể dễ dàng quên nhưng cũng đừng vì thế mà để mình bị bịt mắt, bị biến thành “món hàng” trao đổi.
Thanh Tâm nhấn mạnh rằng, không hẳn cô đã yêu Bằng đến mức mù quáng như vậy mà là trong thâm tâm, cô không muốn thừa nhận sau những bất hạnh hôn nhân, mình lại là người “thua”; không muốn thừa nhận trái tim trao lầm người. Có lẽ cô cần dũng cảm để thành thật với chính mình, để không phạm tiếp những sai lầm tương tự.