Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, BV Mỹ Đức cho hay, vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận một thai phụ 38 tuổi từng bị lưu thai trong lần đầu tiên. Lần mang thai này, chị bị đái tháo đường thai kỳ. Khi thai 22 tuần tuổi, bác sĩ siêu âm 4 chiều để khảo sát hình thể thai nhi đã phát hiện dây rốn thắt nút khá hiếm gặp.
Thai nhi lớn lên từng ngày trong bụng mẹ cùng với sự hồi hộp và theo dõi căng thẳng các các bác sĩ tại bệnh viện.
Sáng 26/5, người mẹ trở dạ và được mổ sinh khi tuổi thai đến gần 35 tuần. Ca mổ đã thành công, chào đón bé trai nặng 2,25kg với một vòng dây rốn thắt nút như nắm đấm.
Theo đó, đây là ca đầu tiên thai nhi có dây rốn thắt nút được phát hiện lúc đang trong bụng mẹ tại bệnh viện. Thông thường, dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ chỉ 0,3-2,2% các ca sinh.
Nguyên nhân khiến dây rốn thắt nút do thai nhi cử động, di chuyển qua các vòng cung dây rốn. Ngoài ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dây rốn như dây rốn dài, kích thước thai nhi nhỏ, thai nhi là bé trai, đa ối, mẹ bị tiểu đường,…
Vòng dây rốn có thể tạo thành rất sớm lúc 9-12 tuần tuổi thai. Ở giai đoạn này, thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thai nhi.
Tỷ lệ tử vong của thai nhi có dây rốn thắt nút tăng lên 4 lần so với bình thường. Siêu âm thường quy trong chẩn đoán tiền sản thường bỏ qua tình trạng này. Hầu hết chỉ nhìn thấy sau sinh với đa số bé có chỉ số Apgar thấp, dễ tử vong.