Bé trai 6 tháng tuổi nguy kịch vì hóc xương lươn ngụ ở Bà Rịa Vũng Tàu. Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM trong tình trạng khó thở tím tái, nhiễm trùng, sốt kéo dài do bị hóc xương cháo lươn. Đây là một tình huống hóc dị vật khiến trẻ nguy kịch đến tính mạng.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi đã 4 ngày sốt ho, khò khè ọc sữa, tiêu lỏng điều trị phòng khám tư không bớt. Thấy trẻ thở mệt, người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây trẻ có biểu hiện tím tái, thở co kéo 64 lần/phút, tri giác lơ mơ, nhịp tim tăng cao, độ bão hòa oxy máu thấp hơn so với thông thường. Bé được đặt lại nội khí quản giúp thở, thở máy. Qua chụp Xquang phổi và CT scan ngực, bác sĩ ghi nhận, trẻ bị áp xe thành sau họng lan xuống 1/3 trung thất sau, viêm phổi, trên hình ảnh tạo hình ghi nhận có dị vật ở thực quản và đường dò từ thực quản ra khối áp xe.
Ngay lập tức, ê kíp các khoa hô hấp, tiêu hóa, tai mũi họng và khoa ngoại lồng ngực nhanh chóng hội chẩn, tiến hành rạch cạnh cổ thoát lưu mủ khối áp xe, nội soi gắp ra được mảnh xương lươn gắm sâu vào thành thực quản của bé, kích thước 0.5x3cm.
Dị vật này đã làm thực quản bị rách một đoạn khoảng 2cm, gây khó khăn cho các phẫu thuật viên khâu vá lại. Các bác sĩ đã đặt dẫn lưu cạnh cổ bé, đặt ống thông dạ dày dẫn lưu, đặt ống thông hỗng tràng ra da để nuôi ăn và dung kháng sinh phổ rộng.
Sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, cai được máy thở, tỉnh táo, vết thương cạnh cổ hết mủ dịch, lành lặn, vết thương thực quản cũng lành. Hiện, bệnh nhi tiếp tục được điều trị, chuẩn bị rút ống thông hỗng tràng và cho dinh dưỡng qua đường miệng trở lại.
|
Sau hơn 1 tháng điều trị, tình trạng bé trai hóc xương lươn, cải thiện dần, cai được máy thở, tỉnh táo. Ảnh: VOV. |
Các chuyên gia cho biết, khi mắc dị vật bất kỳ, việc đầu tiên là tìm cách khạc dị vật ra, hoặc nôn ọe để dị vật trôi ra, không cố nuốt vào.
Bác sĩ cũng lưu ý, các bậc phụ huynh nếu cho con em ăn uống, đặc biệt là đối với trẻ ở tuổi ăn dặm, phải kiểm tra bằng mắt, tay hoặc qua rây lọc thật kỹ, chắc chắn loại bỏ xương ra thực sự mới nấu cho bé.
Mẹo chế biến thức ăn dặm
Bác sĩ cũng khuyến cáo, dù thịt lươn chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ hay người mới khỏi bệnh nhưng do có xương nên trong quá trình chế biến phải thật cẩn thận, lọc bỏ toàn bộ xương lươn rồi mới nấu để tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Khi cho con trẻ ăn dặm, cần lọc kỹ các loại thức ăn có xương nhỏ hoặc xương cứng để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ nhỏ. Trường hợp khạc dị vật không ra thì tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp sớm và đúng cách.
Để giúp con tránh bị hóc thức ăn, việc đầu tiên mẹ cần phải làm là chế biến đồ ăn dặm đúng cách. Nếu không có thời gian, mẹ có thể chọn thức ăn chế biến sẵn dành cho trẻ ăn dặm. Tuy nhiên, việc tự nấu đồ ăn dặm vẫn được khuyến khích vì chúng đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
|
Khi cho con trẻ ăn dặm, cần lọc kỹ các loại thức ăn có xương nhỏ hoặc xương cứng để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. |
Khi chế biến thức ăn dặm, mẹ nên xay, tán nhuyễn đến khi bé tròn 1 tuổi. Không nên cho các bé trong độ tuổi ăn dặm ăn nguyên hạt các loại hạt, ăn cả quả nho, bỏng ngô, các loại kẹo, xúc xích… vì chúng đều khiến bé dễ bị hóc. Nếu cho bé ăn phô mai hay thịt, mẹ nên cắt theo chiều dọc rồi cho con cầm nhai thử. Đối với các bé trên một tuổi, mẹ có thể cắt nhỏ thức ăn ra và chú ý cho bé thời gian nhai kỹ, chờ bé nuốt hết thức ăn trong miệng mới đút thêm.
Chọn thức ăn phù hợp theo từng độ tuổi
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “từ loãng đến đặc – từ ít đến nhiều – từ mịn đến thô”. Cho bé ăn loại thức ăn phù hợp với độ tuổi, tránh việc vội vàng “đốt cháy giai đoạn” hoặc thay đổi đột ngột dạng thức ăn khiến bé chưa quen dẫn đến sặc, nghẹn, hóc.
Thông thường, mẹ nên cho bé ăn cháo xay nhuyễn rây qua lưới khi bé chưa tròn 9 tháng tuổi. Vào giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn cháo xay nhuyễn nhưng không rây qua lưới để thức ăn có xác nhiều hơn. Từ 1 tuổi trở lên, mẹ tập cho bé ăn cháo hạt vỡ hoặc hạt nguyên và thức ăn băm nhỏ. Còn thức ăn thô, bé chỉ nên ăn khi được trên 2 tuổi, thời điểm mà bé đã đủ cả răng hàm.
Mời độc giả xem video "Các thực phẩm chống độc siêu hạng". Nguồn:VTC.
Cho bé ăn đúng tư thế
Các bé trong độ tuổi ăn dặm hầu hết đều chưa biết ngồi hoặc ngồi chưa vững. Do đó, nhiều mẹ thường có xu hướng một tay bế con, tay còn lại đút cho bé ăn. Nếu mẹ đã có kinh nghiệm và thuần thục thì việc cho bé ăn theo cách này là đơn giản, chỉ cần giữ cho lưng bé thẳng còn đầu hơi nghiêng.
Tuy nhiên, một số mẹ chưa có kinh nghiệm hay con thường ngọ nguậy, quấy khóc thì lời khuyên dành cho mẹ là không nên mạo hiểm cho con ăn theo kiểu này vì dễ làm trẻ hóc, nghẹn. Thay vào đó, mẹ nên đặt bé vào chiếc ghế ăn dặm chuyên dụng, loại ghế này có thể điều chỉnh độ dốc ở lưng và có phần dây cố định ngang bụng. Lúc này cả hai tay của mẹ đều rảnh rang sẽ dễ thao tác hơn so với cách vừa bế bé vừa đút cho chúng ăn.
Đối với các bé đã biết ngồi vững, mẹ có thể cho bé ngồi vào ghế tập ăn. Tuyệt đối không để bé nằm trong lúc ăn, điều này sẽ khiến bé dễ bị hóc, nghẹn vô cùng nguy hiểm.