Bác sĩ Lã Thanh Hà, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y học cổ truyền), cho biết mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.T (40 tuổi, ở Hà Nội) bị hỏng gần hết da mặt sau khi thực hiện phương pháp lăn kim làm đẹp.
|
Da mặt người phụ nữ bị cày nát sau lăn kim |
Bệnh nhân cho biết trước đó, do thấy làn da của mình có dấu hiệu của tuổi tác, da khô thiếu sức sống, tối màu nên chị này đã tìm đến cơ sở làm đẹp qua quảng cáo hấp dẫn và được nhân viên ở đây tư vấn phương pháp lăn kim. Sau khi lăn kim, nhân viên tại đây có cho bệnh nhân một loại thuốc bôi để phục hồi giúp da căng bóng, trắng hồng.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, khuôn mặt của chị T. xuống cấp trầm trọng, da sần sùi, loang lổ, nám xạm, chi chít mụn khiến chị không đủ tự tin xuất hiện trước mọi người. Lúc này, chị T. mới vào viện cầu cứu bác sĩ.
Theo bác sĩ Hà, trường hợp bệnh nhân T. bị tổn thương da rất nặng, bệnh nhân bị tróc lột toàn bộ lớp biểu bì sau lăn kim và bôi thuốc không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng loại thuốc bôi này trôi nổi, hoạt chất thường chứa hidroquinon, acid nồng độ cao, có tác dụng làm trắng thần tốc và lột tẩy mạnh khiến làn da trắng đẹp lên trông thấy nhưng sẽ suy yếu sau một thời gian. Hoạt chất này bôi kết hợp sau lăn kim sẽ thẩm thấu sâu, lột tẩy rất mạnh, gây hậu quả xâm hại làn da nghiêm trọng, da mặt nhìn như bị "cày nát". Với bệnh nhân T., việc điều trị sẽ phải kéo dài, rất tốn kém, da khó phục hồi như ban đầu.
Trước đó không lâu, bệnh viện này cũng tiếp nhận một cô gái 19 tuổi, quê Hải Phòng, trong tình trạng mặt chi chít trứng cá bọc mủ sau lăn kim. Người nhà bệnh nhân cho biết do trên mặt xuất hiện nhiều trứng cá nên chị đã được mẹ đưa đến một cơ sở làm đẹp để lăn kim trị mụn, hy vọng có làn da đẹp trước khi nhập học đại học. Tháng đầu tiên sau lăn kim, da cô gái đẹp lên nhanh chóng, sau đó bỗng bùng phát các đợt trứng cá dữ dội. Khi đi khám tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, các bác sĩ chẩn đoán bị viêm da dạng trứng cá. Đáng sợ hơn, da của cô gái này đã bị bội nhiễm liên cầu, tụ cầu gây viêm da mủ, điều trị phức tạp, thời gian kéo dài.
Bác sĩ Hà cho biết trung bình mỗi ngày, các bác sĩ Khoa Da liễu tiếp nhận từ 3-5 ca biến chứng sau lăn kim tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài. Đa số bệnh nhân tuổi từ 19-40 tuổi, nhập viện trong tình trạng da ngứa nổi mẩn sưng đỏ, loang lổ nám, tăng sắc tố, bùng phát trứng cá, viêm da bội nhiễm, viêm da mủ… rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da.
Lăn kim là một can thiệp có xâm lấn, tạo các vi tổn thương giả để da thẩm thấu dưỡng chất tốt hơn, kích thích tăng sinh collagen mạnh mẽ rất cần cho một làn da săn chắc, sáng bóng. Phương pháp này cần thực hiện tại các cơ sở y tế được kiểm soát và thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu có chuyên môn sâu sẽ tránh được các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Với từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn liệu trình kim lăn phù hợp, không phải trường hợp nào cũng lăn kim giống nhau.