Ngồi nguyên một chỗ
Trong những chuyến bay dài, ngồi quá lâu trong một chiếc ghế chật hẹp có thể sẽ khiến bạn bị đau nhức cơ, hay bị phù chân, nghiêm trọng hơn là nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hay còn gọi là chứng nghẽn mạch máu - tình trạng những cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu của cơ thể.
Cục máu đông thường xuất hiện trong tĩnh mạch chân, bên trên hoặc dưới đầu gối. DVT có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và có thể vỡ ra, hoặc di chuyển theo dòng máu, gây ra tổn thương nghiêm trọng cho các bộ phận khác của cơ thể như tim, phổi, não...
Bạn không nên ngồi một chỗ quá lâu. Hãy tăng cường hoạt động cơ chân khi đang bay bằng cách đi bộ xung quanh khoang hoặc tự massage chân ngay tại vị trí ngồi.
Uống nhiều rượu
Đi máy bay và rượu đều khiến cơ thể bạn bị mất nước, khiến bạn bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mất ngủ... Rượu cũng làm tăng thân nhiệt, khiến bạn khó ngủ hơn khi đang trên máy bay. Vì vậy, để có một chuyến bay hoàn hảo, bạn nên tránh uống nhiều rượu trước và sau khi lên máy bay.
Chia thời gian không hợp lý
Hãy tận dụng triệt để thời gian trên các chuyến bay dài để nghỉ ngơi, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chuyến du lịch sắp tới.
Tuy nhiên, bạn không nên ngồi yên một chỗ và xem phim hay đọc sách trong suốt quá trình bay. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho nhiều việc khác nhau như ngủ và các hoạt động có lợi cho cơ thể như tập thể dục nhẹ, đi bộ...
Không uống đủ nước
Mất nước là một vấn đề thường gặp đối với hầu hết hành khách đi trên máy bay, đặc biệt là những chuyến bay dài. Mất nước gây ra mệt mỏi sẽ khiến bạn khó chịu, buồn nôn, đau đầu, khô da… Thậm chí, những ảnh hưởng của mất nước có thể vẫn tiếp tục đeo bám bạn ngay cả khi máy bay đã hạ cánh. Cảm giác không thoải mái thường biến mất trong vòng 1-2 ngày, miễn là bạn uống đủ nước khi đến nơi.
|
Để tránh mất nước, hãy uống nhiều nước trước, trong và sau khi lên máy bay.Ảnh: Sarah via flickr/CC Attribution. |
Sử dụng đồ ăn nhanh
Trên máy bay, đồ ăn nhẹ thường không có nhiều lựa chọn, và thường là những món không tốt cho sức khỏe như burger, snack, bánh, kẹo, đồ uống có gas… Những đồ ăn này có thể khiến bạn bị mất nước và gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, gây ra tình trạng mệt mỏi trong nhiều ngày sau đó.
Ngồi cạnh người bị bệnh
Nhiều khi, bạn không thể lựa chọn ai sẽ là người ngồi cùng trên máy bay. Nhưng nếu phát hiện người ngồi bên bị ốm với một đống khăn giấy đã qua sử dụng, có lẽ bạn nên cố gắng thay đổi chỗ ngồi. Hãy đứng lên một cách kín đáo và hỏi một tiếp viên hàng không về chỗ ngồi miễn phí ở đâu đó trên máy bay. Hãy trình bày lý do vì sao bạn muốn thay đổi chỗ ngồi.
Nếu không thể đổi được chỗ, hãy rửa tay thường xuyên, đừng đưa tay lên mặt để tránh lây nhiễm những mầm bệnh từ người ngồi cạnh.
Thức giấc trong cả chặng bay
Một số hành khách, vì quá háo hức với chuyến đi, sẽ chống lại đồng hồ sinh học để thức giấc trong cả chặng bay. Điều này chỉ khiến cơ thể bạn mệt mỏi và căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến chuyến đi.
Chạm vào các bề mặt chứa nhiều vi khuẩn của máy bay
Ngay cả khi bạn không ngồi cạnh một người đang bị bệnh, vi trùng vẫn có khả năng xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua các trang thiết bị trên máy bay. Tay nắm cửa phòng vệ sinh, bàn khay, chăn, gối, bộ điều khiển màn hình trên ghế ngồi… là nơi trú ngụ tiềm năng của vi khuẩn và các virus gây bệnh nếu không được khử trùng đúng cách giữa các chuyến bay.
Không có gì phá hủy kỳ nghỉ của bạn nhanh hơn cảm lạnh hoặc cúm. Hãy cảnh giác với những vật dụng mà bạn tiếp xúc, rửa tay với xà phòng hoặc thuốc sát trùng thường xuyên để loại bỏ những mầm bệnh này.