8 doanh nghiệp nào phải thu hồi thuốc chứa Valsartan gây ung thư?

Google News

(Kiến Thức) - Qua rà soát, Cục Quản lý Dược đã lên danh sách 8 doanh nghiệp Việt Nam bị buộc phải thu hồi 23 loại thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc có nguy cơ gây ung thư.

Thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược vừa ký công văn yêu cầu thu hồi toàn bộ thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất.
Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical sản xuất là thành phần nguyên liệu chính trong nhiều loại thuốc điều trị bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim. Valsartan được phát hiện chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine có thể gây ung thư.
8 doanh nghiep nao phai thu hoi thuoc chua Valsartan gay ung thu?
Nhiều lô biệt dược Valsartan bị thu hồi vì có chứa tạp chất gây ung thư - Ảnh: Một thế giới.  
Tại Việt Nam, theo rà soát của Cục Quản lý Dược, có 8 doanh nghiệp được cấp đăng ký đối với 23 thuốc thành phẩm đang lưu hành sử dụng hoạt chất Valsartan được nhập từ Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc buộc phải thu hồi. Đây đều là nhóm thuốc phải kê đơn, điều trị cao huyết áp, suy tim nhằm giảm tỉ lệ tử vong do tim mạch trên bệnh nhân suy chức năng tâm thất trái sau nhồi máu cơ tim và điều trị suy tim.
Cụ thể, 8 doanh nghiệp bị buộc phải thu hồi tất cả các tên thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc gồm: Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) thu hồi thuốc Valsartan 80 mg (số đăng ký VD-27843-17); Công CP Dược phẩm Trung ương 2 (TP Hà Nội) thu hồi thuốc tim mạch Tolzartan Plus 160 mg (số đăng ký VD-27098-17);
Công ty CP Hóa dược Việt Nam (TP Hà Nội) thu hồi thuốc tim mạch Ocedio 80 mg (đăng ký VD-29339-18); Công ty CP Dược phẩm OPV (tỉnh Đồng Nai) thu hồi 7 loại thuốc trị tim mạch, phù do suy tim và huyết áp, gồm: Opevalsart 40 mg (VD-20792-14), Vasaratim 80mg (VD-20802-14), Vasaratim Plus 160:25 (VD-12907-10), Vasaratim 40 mg (VD-20461-14) và Halotan hoạt chất 40/80/160 mg, Opevalsart 80, Vasaratim 160;
Công ty CP Nhập khẩu Y tế DOMESCO (tỉnh Đồng Tháp) thu hồi 3 thuốc gồm: Doraval 80 mg (VD-24-16), Doraval plus 160/25 mg (VD-26463-17), Oraval plus 80/12,5 mg (VD-26464-17);
Công ty CP PYMEPHARCO (tỉnh Phú Yên) thu hồi 4 thuốc Pyvasart hàm lượng 40/80/160 mg và thuốc Pyvasart HCT 80/12.5 mg; Công ty TNHH Liên doanh STADA Việt Nam (TP HCM) thu hồi 4 thuốc Valsartan STADA hàm lượng 40/80/160 mg và chi nhánh của công ty ở Bình Dương thu hồi 2 thuốc Valsartan STADA 40 mg, Valsartan STADA 80 mg.
Ngoài thu hồi những thuốc đã sản xuất, các công ty sản xuất thuốc cần dừng ngay việc sử dụng nguyên liệu Valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical để sản xuất thuốc thành phẩm.
Các công ty gửi báo cáo thu hồi (về số lượng xuất xưởng, số lượng thu hồi và các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định của Bộ Y tế) Cục Quản lý dược trong vòng một tháng (đến 10/8/2018).
Sau khi Cục Quản lý Dược có các công văn khẩn yêu cầu thu hồi trên, đến nay, nhiều doanh nghiệp trong số 8 doanh nghiệp có tên trong danh sách cho biết đã tiến hành thu hồi. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Y tế DOMESCO, Công Ty TNHH Liên Doanh Stada - Việt Nam, Công Ty TNHH Liên doanh Stada - Việt Nam... cho biết đã tiến hành ngừng phân phối và thông báo đến các nhà thuốc thu hồi lô sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)