Nắng nóng khiến trẻ dễ bị mắc rôm sảy
Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em dễ mắc rôm sảy. Theo BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP. HCM, rôm sảy là một bệnh ngoài da phổ biến do tắc nghẽn hoặc viêm ống dẫn mồ hôi. “Khi thời tiết nóng nực, cơ thể tiết nhiều mồ hôi để làm mát nhưng nếu mồ hôi không thoát ra ngoài được, nó sẽ tích tụ dưới da, gây nên tình trạng rôm sảy”, bác sĩ Lợi Em chia sẻ.
So với người lớn, trẻ em dễ bị rôm sảy hơn do làn da mỏng manh và hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể trẻ phản ứng bằng cách tiết mồ hôi nhiều hơn, nhưng nếu mồ hôi không thoát được ra ngoài, các ống dẫn mồ hôi sẽ bị tắc nghẽn bít tắc khiến các nốt mẩn đỏ, mụn nước li ti xuất hiện dày đặc trên da trẻ, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. 
So với người lớn, trẻ em dễ bị rôm sảy hơn. (Ảnh minh họa).
Những ngày nắng nóng liên tục càng làm gia tăng áp lực lên làn da trẻ, đặc biệt khi trẻ phải mặc quần áo quá dày, bó sát hoặc chất liệu không thấm hút mồ hôi khiến cơ thể trẻ bị nóng bức, làm tình trạng rôm sảy nặng hơn. Nhiều phụ huynh còn có thói quen cho trẻ nằm trên đệm mềm nhưng không thoáng khí hoặc đóng bỉm trong thời gian dài, làm da bé luôn trong tình trạng ẩm ướt. Ngoài ra, những trẻ hiếu động, thường xuyên chơi đùa ngoài trời hoặc trẻ bị sốt, thân nhiệt cao cũng dễ bị rôm sảy hơn do cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi.
Các triệu chứng của rôm sảy ở trẻ rất dễ nhận biết. Những nốt hồng ban, mụn nước nhỏ li ti thường xuất hiện ở các vùng da có nhiều tuyến mồ hôi như trán, má, cổ, ngực và lưng. Tùy vào mức độ, rôm sảy có thể được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là rôm đỏ (miliaria rubra) với các sẩn đỏ nhỏ li ti kèm theo cảm giác ngứa ngáy dữ dội. Trẻ bị rôm đỏ thường bứt rứt, hay gãi làm da trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm da.
Một dạng nhẹ hơn là rôm tinh thể (miliaria crystallina), đặc trưng bởi các mụn nước nhỏ trong suốt, dễ vỡ, thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới bị rôm sảy lần đầu. Dạng này ít gây viêm nhưng nếu không chăm sóc đúng cách, trẻ vẫn có nguy cơ tiến triển thành rôm đỏ.
Ngoài ra, rôm mủ (miliaria pustulosa) và rôm sâu (miliaria profunda) là những dạng nặng hơn, trong đó rôm mủ xuất hiện khi các nốt sần bị nhiễm khuẩn, tạo thành mụn mủ gây đau rát. Còn rôm sâu là tình trạng rôm ăn sâu vào lớp trung bì của da, làm ảnh hưởng đến quá trình bài tiết mồ hôi, có thể gây nguy cơ rối loạn điều hòa nhiệt của cơ thể.

Cách chăm sóc chưa phù hợp cũng làm tăng nguy cơ rôm sảy. (Ảnh minh họa).
Đề phòng rôm sảy trở nặng
Thông thường, rôm sảy chỉ là tình trạng ngoài da tạm thời và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. "Biến chứng có thể gặp của rôm đỏ bao gồm nhiễm trùng thứ phát thường do tụ cầu vàng Staphylococcus, rối loạn thân nhiệt và tăng tiết mồ hôi ở những vùng không bị ảnh hưởng. Những biến chứng này không chỉ làm tình trạng da của trẻ xấu đi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn diện”, bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em cảnh báo.
Theo đó, nhiễm trùng thứ phát là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất. Khi trẻ gãi ngứa, các mụn nước hoặc sẩn đỏ có thể vỡ ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn phổ biến có thể gây viêm nhiễm nặng, dẫn đến mụn mủ hoặc thậm chí áp-xe da. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốt cao, nổi hạch vùng và cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Rối loạn thân nhiệt cũng là một hệ quả tiềm tàng khi rôm sảy không được kiểm soát. Do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, cơ thể trẻ không thể điều hòa nhiệt độ hiệu quả, đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, khiến trẻ mệt mỏi, lờ đờ, thậm chí nguy hiểm hơn nếu không được xử lý kịp thời. Ngoài ra, tình trạng tăng tiết mồ hôi ở những vùng da lành cũng làm trẻ khó chịu hơn, tạo thành vòng luẩn quẩn khó khắc phục.

Bác sĩ Lợi Em khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc bôi chứa steroid hoặc kháng sinh.
Để tránh những biến chứng này, phụ huynh cần xử lý rôm sảy đúng cách ngay từ đầu. Bác sĩ Lợi Em khuyên: "Phương pháp đơn giản nhất là giữ cho da bé mát mẻ, môi trường xung quanh thông thoáng. Tránh mặc quần áo quá bó, chọn chất liệu vải thấm hút tốt như cotton và không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ”, Việc nặn mụn nước hay mụn mủ cũng cần tránh tuyệt đối, bởi hành động này dễ gây nhiễm trùng và làm tổn thương da nghiêm trọng hơn.
"Khi bé có các biểu hiện như ngứa, quấy khóc nhiều, ăn uống kém, khó ngủ, ban đỏ lan rộng, sốt, hay nổi mụn mủ căng đau, nhức, nổi hạch vùng, thì nên dẫn bé đến khám tại các cơ sở y tế sớm", bác sĩ Lợi Em lưu ý.
Bác sĩ Lợi Em cũng đưa ra khuyến cáo, phụ huynh không nên tự ý dùng các sản phẩm tắm rửa chứa chất tẩy mạnh hoặc kem bôi không phù hợp để điều trị rôm sảy. Điều này có thể gây kích ứng, khiến rôm sảy lan rộng. "Các sản phẩm chăm sóc da bé nên chọn loại lotion mỏng nhẹ, chứa các thành phần ít kích ứng như calamine. Tắm nước trà xanh tươi cũng là một phương pháp dân gian an toàn và hiệu quả", bác sĩ Lợi Em gợi ý.