Tin tức 24h: Miền Bắc chuyển rét từ đêm nay, nhiệt giảm xuống 13 độ

Google News

Không khí lạnh tràn về khiến từ đêm 28/3, Bắc Bộ chuyển rét, từ ngày 29/3, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ.

Miền Bắc chuyển rét từ đêm nay, nhiệt giảm xuống 13 độ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (28/3), bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiến gần đến biên giới nước ta.

Dự báo từ chiều tối và đêm 28/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ; từ gần sáng ngày 29/3 sẽ ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Trong đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. 

Miền Bắc chuyển rét từ đêm nay.

Từ đêm 28/3, Bắc Bộ trời chuyển rét; từ ngày 29/3, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ; Bắc Trung Bộ phổ biến 17-19 độ. 

Khu vực Hà Nội từ đêm 28/3 trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 16-18 độ.

Nhiều khu vực nhiệt giảm mạnh khi khối khí lạnh tràn xuống nước ta.

Trên biển, từ tối 28/3, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc và mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-3,0m. Từ đêm 28/3, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 3,0-5,0m.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ đêm 28/3, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo người dân sau động đất ở Myanmar

Trưa nay, 28-3, một trận động đất đã xảy ra tại Myanmar với độ lớn lên tới 7.3, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Thông tin cụ thể, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết trận động đất xảy ra tại Myanmar có toạ độ cụ thể ở 21.71 độ vĩ Bắc, 96.02 độ kinh Đông.

Mặc dù động đất xảy ra tại Myanmar nhưng một loạt quốc gia xung quanh cũng bị ảnh hưởng.

Tại Thái Lan, một toà nhà đã bị sập hoàn toàn sau khi trận động đất ở Myanmar xảy ra. Báo chí Thái Lan đưa tin đã ghi nhận thiệt hại về người do ảnh hưởng của động đất. Thái Lan hiện đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok sau động đất Myanmar.

Tâm chấn động đất tại Myanmar. Ảnh: Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần.

Tại Việt Nam, người dân ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và TP.HCM cho biết họ cảm nhận được rung chấn của động đất. Nhiều người đang ở trong các toà nhà cao tầng đã vội chạy ra ngoài đường vì cảm nhận được rung lắc mạnh.

TS.Nguyễn Xuân Anh cho biết, ảnh hưởng của trận động đất ở Myanmar đối với Việt Nam, Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần vẫn đang để cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp 0, tức là cấp có mức rủi ro thiên tai rất thấp.

Cũng chia sẻ về trận động đất này, một chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn đánh giá trận động đất vừa xảy ra tại Myanmar là trận động đất mạnh và sẽ gây thiệt hại lớn cho khu vực trung tâm.

Động đất mạnh ở Myanmar đã gây ảnh hưởng tới các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam. Người dân sống trong toà nhà cao tầng tại TP.HCM chạy ùa ra ngoài vì cảm nhận được rung lắc.

“Việt Nam ở xa hơn nên có thể bị rung chấn nhưng rủi ro không lo. Cần đề phòng các trận động đất mạnh thường hay có những đợt dư chấn sau đó” - vị chuyên gia này chia sẻ.

Theo thang độ lớn mô-men, cấp 7.3 là cấp động đất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Chuyên gia cũng khuyến cáo tới người dân, đặc biệt với trẻ em, khi xuất hiện động đất hãy ở nguyên trong nhà. Lưu ý, cần tránh các vách kính, tránh các vật treo trên trần, tránh các khu tủ bếp, giá treo trên tường…

“Nếu người dân đang đun nấu thì nhớ nhanh chóng tắt bếp. Các trận động đất mạnh thường kèm theo cháy do các vật rơi vào nguồn nhiệt. Người dân cũng cần lưu ý tìm vật che đầu để bảo vệ. Khi rời khỏi toà nhà nên chụp mũ bảo hiểm nếu có sẵn. Khi hết rung mạnh, hãy nhanh chóng rời khỏi toà nhà bằng thang bộ, không đi thang máy. Di chuyển ra nơi trống trải như công viên, sân chơi… tránh chỗ các cột” - chuyên gia khuyên.

Tìm kiếm 2 học sinh nghi mất tích trên sông Mã

Ngày 28/3, thông tin từ UBND xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, trên địa bàn xảy ra vụ việc 2 học sinh nghi mất tích trên sông Mã đoạn qua địa bàn. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân.

Trước đó, chiều tối ngày 27/3, 2 cháu N.V.H. (SN 2012) và L.Đ.C. (SN 2013) đều trú tại thôn Vân Bằng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, là học sinh trường THCS Cẩm Vân rủ nhau ra bãi đá ngoài bến sông Mã, đoạn chảy qua thôn Tường Yên, xã Cẩm Vân tắm và mất tích.

Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm 2 nạn nhân.

Một số người dân cho biết, chiều 27/3, hai cháu có ra bãi đá ngoài bến sông Mã tắm và mất tích, phía trên bờ có xe đạp, quần áo, dép.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường phối hợp chính quyền địa phương và người dân triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn.

Mặc dù trời đã tối, mực nước sâu, lòng sông rộng, nhiều ghềnh đá, nhưng lực lượng Công an vẫn lên phương án xuyên đêm tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên, tới 8h sáng nay, tung tích các nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Hiện lực lượng chức năng tiếp tục điều động thêm nhân lực, phương tiện phối hợp cùng địa phương triển khai camera dò tìm, lặn, thiết bị câu rà… để tìm kiếm hai nạn nhân.

Thông tin mới về sức khỏe bé gái 9 tuổi sau khi được giải cứu khỏi tay đối tượng bắt cóc

Sáng 28/3, phóng viên Tiền Phong có mặt tại nhà ông Trần Đức Đ, trú tại phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh – ông nội của cháu T, nạn nhân bị đối tượng sử dụng ma túy bắt cóc làm con tin gây chấn động.

Trước đó, vào sáng 27/3, Công an tỉnh Bắc Ninh đã xuất sắc giải cứu thành công cháu T khỏi tay đối tượng Phan Văn Tuấn, mang lại niềm vui vỡ òa cho gia đình và cộng đồng.

Từ sáng sớm, không khí tại nhà ông Đ nhộn nhịp hẳn lên khi các đoàn thể, tổ chức, hàng xóm láng giềng cùng người thân nội ngoại tấp nập đến thăm hỏi, động viên.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đ xúc động cho biết, sau khi cháu T được giải cứu, gia đình liên tục đón các đoàn khách từ khắp nơi đến chia sẻ niềm vui và an ủi. “Tối qua, đến 21 giờ gia đình tôi vẫn còn tiếp khách. Mọi người đến động viên, hỏi thăm cháu T khiến chúng tôi vô cùng ấm lòng. Gia đình đã gửi thư cảm ơn và biết ơn sâu sắc đến Công an tỉnh Bắc Ninh vì đã cứu cháu thoát khỏi hiểm nguy”, ông Đ nói.

Cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên cháu T và gia đình. Ảnh Công an tỉnh Bắc Ninh.

Theo quan sát, cháu T hiện đã dần ổn định tâm lý và sức khỏe. Bé trò chuyện vui vẻ với ông bà nội và người thân, dù trên khuôn mặt cháu vẫn còn lưu lại vài vết xước – dấu tích từ vụ việc kinh hoàng.

Ngồi bên cháu, bà nội của T nghẹn ngào cho biết, gia đình không muốn nhắc lại sự việc đau lòng này. “Đó là nỗi ám ảnh lớn với cả nhà. Chúng tôi chỉ mong cháu sớm quên đi để sống vui vẻ như trước”, bà nói. Vụ việc khép lại, nhưng tình người và sự tận tụy của lực lượng công an đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng gia đình và người dân địa phương.

Vừa xảy ra động đất 3 độ ở Kon Tum

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất ghi nhận trận động đất 3 độ ở Kon Tum.

Ngày 28-3, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất cho biết vào lúc 12 giờ 56 phút 34 giây chiều cùng ngày, một trận động đất 3 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.659 độ vĩ Bắc, 108.265 độ kinh Đông (thuộc khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km.

Bản đồ chấn tâm trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Trước đó, vào tối 27-3, tại khu vực huyện Kon Plông cũng xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 2,5 và 3 độ. Thời gian qua, tại khu vực huyện Kon Plông và khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh với huyện Kon Plông) liên tục xảy ra các trận động đất kích thích. Nguyên nhân được xác định là do thủy điện tích nước.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất, lúc 13 giờ 20 phút 57 giây ngày 28-3, một trận động đất có độ lớn 7,3 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.71 độ vĩ Bắc, 96.02 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại Myanmar.

Bản đồ chấn tâm trận động đất ở Myanmar (Ảnh: Viện Các Khoa học Trái đất)

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo ghi nhận, tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, người dân cảm nhận được rung lắc từ trận động đất ở Myanmar. Nhiều người lo sợ bỏ chạy ra khỏi các tòa nhà cao tầng.

H.A

Bình luận(0)