Bố tôi mất được nửa năm thì mẹ tôi cũng qua đời. Trong lúc thu dọn đồ đạc, tôi nhìn thấy bản di chúc đặt ở đầu giường. Tôi nhớ lại lời mẹ dặn:
- Con đừng để chị dâu biết vội, con cứ xem trước rồi cân nhắc xem sao đã nhé.
Tuy thấy lạ nhưng tôi vẫn làm theo. Khi mở phong bì ra đọc, tôi sững người. Di chúc ghi rõ toàn bộ tài sản, bao gồm nhà cửa và tiền tiết kiệm đều để lại cho tôi, con gái ruột của bố mẹ và chỉ dành cho cháu nội 500 triệu, còn chị dâu thì không được một đồng.
Tôi nhìn chị dâu đang bận rộn trong phòng khách mà cảm thấy áy náy. Sau đó, tôi đã xé nát di chúc, ném vào bồn cầu rồi xả nước. Tôi quyết định sẽ không nói chuyện này với ai, kể cả chồng hay chị dâu. Bởi vì, nếu nói đến ai xứng đáng có phần tài sản ấy, thì chính là chị dâu tôi, người đã hy sinh quá nhiều cho gia đình tôi.

Tôi sững người khi đọc được bản di chúc bố mẹ để lại. (Ảnh minh họa)
Anh trai tôi học hết cấp ba thì đi làm thuê, sức khỏe yếu, không kiếm được bao nhiêu tiền. Khi đi làm xa, anh quen chị dâu vì hai người ở chung dãy trọ. Biết anh trai tôi ốm yếu, chị dâu rất quan tâm rồi dần dà tình cảm nảy sinh. Dù nhà chị dâu không đồng ý mối quan hệ này vì muốn gả chị cho người khá giả hơn, nhưng chị vẫn kiên quyết theo anh trai tôi, chấp nhận làm dâu xa.
Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi, khi chị dâu mang thai được 3 tháng, anh trai tôi gặp tai nạn qua đời. Từ đó, bố mẹ tôi suy sụp tinh thần, sức khỏe giảm sút. Lo chị dâu sẽ bỏ đứa con và tái giá, bố mẹ tôi từng định quỳ xuống cầu xin chị ở lại. Nhưng chưa kịp nói, chị dâu đã chủ động hứa:
- Con sẽ sinh con, sẽ không tái giá. Sau này con sẽ thay anh ấy chăm sóc bố mẹ.
Ban đầu, ai cũng cảm động nhưng cũng nghi ngờ liệu chị có giữ lời. Thế nhưng, chị dâu thật sự đã làm được. Sau khi sinh con, chị một mình chăm sóc con, chăm lo bố mẹ tôi từng chút một. Về tài chính, tôi và bố mẹ phụ giúp, còn lại mọi việc nặng nhọc, chị đều gánh vác.
Từ khi mẹ tôi bị liệt, rồi bố tôi bắt đầu lẫn, chị dâu vẫn kiên trì chăm sóc hai người già bệnh tật mà không một lời than phiền.
Tôi là con gái ruột mà còn không chịu nổi mùi phân, nước tiểu khi vệ sinh cho mẹ. Mỗi lần về thăm nhà là tôi thấy buồn nôn, vậy mà chị dâu chưa bao giờ để tôi đụng vào việc đó. Chị bảo:
- Em đã giúp đỡ về tài chính rồi, những việc chân tay cứ để chị làm.
Nhờ chị, mẹ tôi bị liệt nhiều năm mà vẫn khỏe mạnh, tinh thần tốt, không lở loét. Tôi thật sự rất khâm phục chị dâu. Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ than vãn, trách móc. Nhưng chị dâu lại im lặng làm tròn đạo dâu con suốt hơn 15 năm.
Tôi tin bố mẹ đã viết di chúc trước đó, bởi bản di chúc kia đã cũ, giấy ngả sang màu vàng rồi. Có lẽ bố mẹ lo sợ chị dâu sẽ tái giá, không giữ lại tài sản cho cháu. Nhưng họ đã sai, bởi suốt ngần ấy năm, chị dâu chưa một lần đổi ý. Vậy mà bố mẹ lại chẳng sửa đổi di chúc, không để lại cho chị đồng nào.

Chị dâu chăm sóc mẹ tôi rất chu đáo. (Ảnh minh họa)
Cuối cùng, tôi quyết định không theo di chúc. Tôi gọi chị dâu ra nói chuyện sau khi lo đám tang cho mẹ xong. Tôi nói:
- Bố mẹ không để lại di chúc, em lại là con gái đã lấy chồng, nên tài sản thuộc về chị và cháu.
Chị dâu xúc động, rưng rưng nước mắt nói:
- Em cũng là người của gia đình này, sao lại chia như vậy? Chị nghĩ tốt nhất nên chia đôi, chị và cháu một phần, em một phần. Nếu em không nhận, chị cũng không nhận, chị sẽ dẫn con đi thuê nhà ở.
Tôi sững người mất mấy giây rồi trả lời chị:
- Vậy chia thế này nhé, nhà để chị và cháu ở, còn tổng cộng 1 tỷ tiền tiết kiệm của bố mẹ thì em nhận. Chị thấy thế có được không?
Chị gật đầu. Trong lòng tôi cũng đã tính, số tiền đó sau này sẽ dùng để cưới vợ cho cháu trai.
Chuyện trong nhà coi như xong. Trước khi tôi rời đi, chị dâu cười tiễn tôi ra cửa, bảo tôi nhớ về nhà thường xuyên. Tôi quay đầu lại, thấy chị đứng đó cười, lòng ấm áp vô cùng.
Bố mẹ không còn, nhưng tôi vẫn còn một mái nhà để quay về. Tôi mừng vì mình đã chọn đúng. Tiền bạc là vật ngoài thân, còn tình thân mới là thứ không thể đong đếm được.