N.T.H (15 tuổi, ở Thái Nguyên) đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) sau khi uống thuốc chuột tự tử, may mắn gia đình phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Lý do H tự tử vì bi quan trong cuộc sống, cảm thấy mất động lực, đặc biệt là gần đây em gặp nhiều vấn đề về những mối quan hệ với bạn bè ở lớp.
H chia sẻ, từ khi em còn nhỏ mẹ đã vào miền Nam làm công nhân, rồi quen một người đàn ông khác, sau đó ly hôn bố và đi theo người ấy. Kể từ đó H sống cùng bố và ông bà nội, dù được ông bà thương yêu chăm sóc nhưng em vẫn cảm thấy hụt hẫng vì thiếu vắng tình thương của mẹ.
Đặc biệt, bố H thường xuyên cấm liên lạc với mẹ, không được nhận quà của mẹ gửi. “Hiện mẹ em đã có con với người đàn ông khác, nên cũng không còn quan tâm đến hai chị em em nữa”, H tâm sự.
Trong học tập, H có lực học trung bình, là người sống nội tâm nên cũng ít bạn bè. Dù chơi với một nhóm bạn gái cùng lớp, nhưng H rất ít khi chia sẻ chuyện gia đình. Khoảng 3 tháng nay, H xảy ra mâu thuẫn với bạn trong lớp, bị bạn bè trong lớp xa lánh, nói xấu và cô lập.

Bác sĩ Khiêm đang thăm khám cho nữ sinh trầm cảm tại bệnh viện. Ảnh: Lê Phương.
Khi bị như vậy, H đã báo lên cô giáo chủ nhiệm nhưng không giải quyết được gì. Bệnh nhân có nói với bố, nhưng bố cho rằng đó là chuyện trẻ con nên cũng không xử lý hay giúp đỡ con, cộng với việc học tập chuẩn bị thi vào cấp 3 khiến H. áp lực nhiều hơn.
Với nhiều áp lực bủa vây, H buồn chán, thường ngồi một mình, ít nói chuyện với mọi người hơn, chỉ đi học trên lớp rồi về thẳng nhà, đêm ngủ kém, trằn trọc khó vào giấc. Sáng dậy H cảm thấy kém tập trung, nghe giảng không hiểu bài, học tập kết quả kém. Bệnh nhân không có hứng thú với những việc như xem phim, nghe nhạc, bệnh nhân dễ cáu gắt vô cớ.
“Vài lần em cảm thấy trống rỗng, nên dùng dao tự cắt tay để giải tỏa căng thẳng, nhưng chỉ được vài hôm lại trở về như cũ”, H chia sẻ và thêm rằng, nhiều lúc em khóc một mình, cho rằng trong gia đình không có ai thấu hiểu mình, cảm thấy cuộc sống bi quan, tồi tệ.
Cuối cùng H đã uống thuốc diệt chuột để tự tử, gia đình phát hiện kịp thời đưa vào trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, sau khi tình trạng ngộ độc ổn định, em được chuyển đến Viện sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm (Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, qua thăm khám nhận thấy, nữ sinh có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý mãn tính, nhưng có hội chứng trầm cảm và hành vi tự sát, nhưng không có hoang tưởng, ảo giác. Với những biểu hiện trên, bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm nặng không có các triệu chứng loạn thần nhưng có ý tưởng tự sát.

Với học sinh ở tuổi vị thanh niên khi bị xa lánh, nói xấu hay cô lập rất dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý. Ảnh minh họa.
“Hiện bệnh nhân tỉnh, nhưng khí sắc còn trầm và vẫn đang được theo dõi ý tưởng tự sát dù ý tưởng đã giảm nhiều so với lúc đầu. Cùng với đó, bệnh nhân được dùng thuốc chống trầm cảm, kết hợp với can thiệp, trị liệu tâm lý”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Theo bác sĩ Khiêm, với trường hợp này có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới trầm cảm và ý tưởng tự sát như bố mẹ li hôn, bố không quan tâm nhiều đến con và điều này kéo dài từ năm này sang năm khác. “Mặc dù không phải ai chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn cũng trở nên chán nản, nhưng đây là yếu tố nguy cơ cao, nhất là xảy ra vào thời điểm trùng hợp với các sự kiện cuộc sống căng thẳng khác”, bác sĩ Khiêm nhận định.
Sự kiện cuộc sống căng thẳng nữ sinh này gặp phải là việc bị cô lập, bạn bè xa lánh và áp lực học tập cuối cấp… “Trường hợp này khi báo cáo cho cô giáo chủ nhiệm, hay khi nói chuyện với bố mà nhận được sự quan tâm và giải quyết kịp thời có lẽ nữ sinh này không rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng và có ý tưởng tự sát như vậy”, vị chuyên gia nói.
Với trẻ vị thành niên việc quan tâm chia sẻ của bố mẹ, bạn bè và thầy cô giáo là rất quan trọng. Từ đó giúp trẻ thoát ra khỏi những áp lực tâm lý, stress, trầm cảm hoặc có thể phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm hơn nhằm tránh nguy cơ gây hại tới sức khỏe và tính mạng.