NSND Thanh Tuấn ngưng tim được "hồi sinh" thần kỳ, gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ: "Tôi như được tái sinh lần nữa"

Google News

NSND Thanh Tuấn bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng. Nhờ ê-kíp bác sĩ của BV Chợ Rẫy tham gia hội chẩn và cứu chữa, nghệ sĩ cải lương đã vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”.

Giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần

Ngày 9/4, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin: "Thiết lập ECMO cấp cứu khẩn cấp tại phòng thông tim, điều trị thành công cho người bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp" liên quan đến việc cứu sống nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn.

Tại buổi họp báo, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) của bệnh viện cho biết, nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn (75 tuổi) nhập viện vào tối muộn ngày 25/3 trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Ghi nhận bệnh sử từ gia đình cho thấy, nghệ sĩ cải lương bị hẹp mạch vành, lại mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Ngay sau đó, bệnh viện đã bật báo động đỏ, hội chẩn khẩn cấp, chẩn đoán sơ bộ nhồi máu cơ tim cấp. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ nghệ sĩ Thanh Tuấn bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngưng tim, suy đa cơ quan. Các bác sĩ điều trị bằng cách hạ thân nhiệt để bảo vệ não, đồng thời hội chẩn liên chuyên khoa.

Bệnh nhân được xử lý ban đầu bằng lọc máu liên tục, điều trị hạ thân nhiệt bảo vệ não và hội chẩn liên chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch can thiệp, Nội Tim mạch, Rối loạn nhịp, Nội hô hấp, Nội thần kinh.

NSND Thanh Tuấn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. (Ảnh: BVCC).

Tại phòng thông tim, kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước tình huống nguy cấp trên, sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định thiết lập ECMO ngay tại phòng thông tim, kết hợp với can thiệp mạch vành.

Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Ích Trung, Phó trưởng khoa Can thiệp tim mạch, bệnh nhân có mảng vôi hóa mạch máu cứng như xương, do đó các bác sĩ phải dùng đến kỹ thuật ROTA (khoan cắt mảng vôi hóa) để phá vỡ các mảng vôi hóa này, nong bóng và đặt 3 stent cho nghệ sĩ, đồng thời duy trì ECMO bảo vệ não.

Hiện tại, nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn đã có thể tự ăn uống, sinh hiệu ổn định, chức năng tim cải thiện 40%, các cơ quan khác gần như hồi phục hoàn toàn và dự kiến có thể xuất viện trong tuần.

"Tôi như được tái sinh lần nữa"

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, động mạch vành của nghệ sĩ Thanh Tuấn gần như đã bít tắc hết và rất cứng như "đóng bê tông". Ngoài ra, mạch máu của bệnh nhân rất giòn, để không bị nứt vỡ, các bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật ROTA một cách kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, việc cấp cứu và hồi sức ban đầu rất quan trọng. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy vừa được can thiệp ECMO, vừa áp dụng kỹ thuật ROTA trong bệnh cảnh choáng tim, ngưng hô hấp tuần hoàn.

Bác sĩ Việt cũng nhấn mạnh đây là trường hợp rất đặc biệt, một ca nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều kỹ thuật hiện đại.

“Đây là một trường hợp rất nặng. Nếu không chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời, bệnh nhân khó có cơ hội sống sót. Các bác sĩ đã dám nghĩ, dám làm. Việc hồi sức để bệnh nhân có thể vào được phòng mổ đã là một thành công lớn", bác sĩ Việt nói.

Tại buổi chia sẻ, nghệ sĩ Thanh Tuấn gửi lời cảm ơn đến tập thể y bác sĩ, quý khán giả đã luôn luôn sát cánh cứu chữa đưa nghệ sĩ qua cơn "thập tử nhất sinh", đưa ông được "tái sinh" thêm một lần nữa.

““Lúc vào viện, tôi đã ngừng thở. Giờ đây, được sống lại lần nữa, tôi cảm thấy như mình vừa trở về từ cõi chết”, ông nghẹn ngào chia sẻ.

Sau khi sức khỏe dần phục hồi, NSND Thanh Tuấn gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ. (Ảnh: BVCC).

Dù mới hồi phục, nghệ sĩ Thanh Tuấn cố gắng cất lên những câu ý nghĩa trong bài vọng cổ "Tìm lại cuộc đời", như một lời tri ân gửi đến những người đã cứu mình.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Phi Hùng, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch chia sẻ, theo y văn, những trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp đã biến chứng ngưng tim có tỷ lệ tử vong rất cao (80-90%), hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhờ việc phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, từ xử trí nhồi máu cơ tim tốt tại khoa Cấp cứu đến Hồi sức tích cực, tim mạch can thiệp, rối loạn nhịp…. đã cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch, không để lại di chứng.

AN THANH

Bình luận(0)