Nhưng bất ngờ là dưới phần bình luận, bên cạnh sự xúc động của hàng triệu phụ nữ thì lại xuất hiện không ít ý kiến từ đàn ông khiến chính chủ phải bật cười… cay đắng: “Sinh con có gì đâu. Là phụ nữ thì ai mà chẳng đẻ được”.

Hồng Thiên Thần chia sẻ về hành trình đi đẻ của mình.
Nhân vật chính là Hồng Thiên Thần – một bà mẹ 9X đến từ tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cô và chồng đã bên nhau từ thuở học trò, yêu nhau 14 năm trước khi về chung một nhà. Gần đây, cặp đôi hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng. Hành trình “vượt cạn” của cô được ghi lại chi tiết, từ lúc bắt đầu chuyển dạ đến khoảnh khắc con cất tiếng khóc đầu đời.

Toàn bộ quá trình đi sinh của Hồng Thiên Thần chỉ trong vòng 7 phút.
Điều đặc biệt là toàn bộ quá trình sinh con chỉ kéo dài… 7 phút! Video này sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm cực lớn với hơn 200 triệu lượt xem, hàng triệu lượt chia sẻ, bình luận đặc biệt là từ cộng đồng mẹ bỉm sữa.
Không ít chị em xúc động đến rơi nước mắt, thốt lên: “Chỉ có ai từng sinh con mới hiểu, đó là nỗi đau xen lẫn hạnh phúc mà chẳng điều gì trên đời có thể thay thế".
Tưởng chừng đó là một video truyền cảm hứng tuyệt đối, nhưng phần bình luận lại xuất hiện không ít ý kiến từ… một bộ phận nam giới khiến dân mạng “giận tím mặt”:
- “7 phút là xong, làm gì mà làm quá?”
- “Là phụ nữ thì ai mà chẳng sinh được con".
- “Có thuốc giảm đau rồi còn kêu gì nữa?”
Thậm chí, một vài người còn chốt hạ bằng suy nghĩ: “Vấn đề không phải là sinh khó, mà là phụ nữ thích làm khổ mình và người khác”.
Những lời này không chỉ khiến Hồng Thiên Thần “cười không nổi”, mà còn khiến hàng nghìn mẹ bỉm từng trải qua sinh nở phẫn nộ. Và để làm rõ mọi thứ, cô đã đăng thêm một video để “giải thích cho rõ ràng” lý do vì sao cô sinh nhanh đến vậy và vì sao nó không hề dễ dàng như người ta tưởng.

Hồng Thiên Thần hạnh phúc bên con sau khi trải qua cơn vượt cạn đầy đau đớn.
Trong video chia sẻ sau đó, Hồng Thiên Thần nói rõ: "Việc mình sinh nhanh là do may mắn, chứ không phải ai cũng như vậy. Và càng không có nghĩa là sinh con là chuyện nhẹ nhàng".
Cô liệt kê 7 yếu tố giúp cô sinh nhanh, gồm:
- Sản đạo thuận lợi: Cơ địa mềm, cổ tử cung đàn hồi tốt
- Thai thuận lợi: Ngôi thai chuẩn, vòng đầu vừa phải
- Bác sĩ kinh nghiệm và xử lý kịp thời: Có thời điểm tim thai giảm, nhưng được xử lý bằng oxy đúng lúc
- Được chuẩn bị kỹ càng từ trước: Massage, luyện thở, chọn bệnh viện uy tín
- Có hỗ trợ gây tê không đau
- Môi trường sản khoa tốt
- Tâm lý vững vàng trong phòng sinh
Và cuối cùng, cô nói thẳng: “Đây là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và cả may mắn. Chỉ cần lệch một thứ thôi, kết quả đã hoàn toàn khác”.
Sinh con – chưa bao giờ là hành trình dễ dàng
Từ thời cổ đại, sinh con đã luôn là thử thách sống còn. Có thời kỳ, tỷ lệ tử vong của bà mẹ lên đến 1 trên 20, và chỉ khoảng một nửa số trẻ sơ sinh sống sót sau khi chào đời. Sản phụ sinh trên sàn đất, không thuốc tê, không bác sĩ, thậm chí còn bị áp đặt những hủ tục mê tín nguy hiểm.
Dù ngày nay y học đã tiến bộ, nhưng mỗi cuộc sinh vẫn là một lần bước đến “cửa tử”. Từ đau đớn của việc mở cổ tử cung, co thắt từng cơn cho đến hồi hộp từng nhịp tim thai… không một người mẹ nào dám chắc “mình sẽ ổn” cho đến khi nghe tiếng con khóc.
Vậy nên, khi có ai đó nói: “Phụ nữ sinh con chẳng qua là làm quá lên”…Thì câu hỏi đặt ngược lại là: "Bạn đã từng nằm giữa phòng sinh, đau tới mức không mở nổi mắt, chỉ biết cầu xin bác sĩ cứu lấy con mình chưa?"
Sinh con không chỉ là chuyện của 7 phút, mà là hành trình của cả đời người phụ nữ. Một hành trình có thể bị xem nhẹ bằng một câu nói, nhưng được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt.
Những rủi ro thầm lặng đằng sau hành trình sinh con của phụ nữ
Sinh con là một khoảnh khắc thiêng liêng, nhưng cũng là hành trình tiềm ẩn nhiều rủi ro mà không phải ai cũng nhìn thấy.
Đằng sau tiếng khóc chào đời của em bé là bao nhiêu giây phút giằng co giữa sự sống và cái chết mà người mẹ phải đối mặt. Những rủi ro ấy không chỉ nằm ở phút lâm bồn, mà có thể bắt đầu từ rất sớm – khi người phụ nữ biết mình mang thai.
- Tiền sản giật, băng huyết, vỡ ối sớm, sa dây rốn, vỡ tử cung… là những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ và lúc sinh. Chỉ cần chậm vài phút xử lý, hậu quả có thể là mất con – hoặc mất cả mẹ.
- Sang chấn tâm lý sau sinh cũng là một "kẻ thù thầm lặng". Có những người mẹ dù mẹ tròn con vuông nhưng lại rơi vào trầm cảm, lo âu, thậm chí không thể gắn kết với con mình.
- Thể chất sau sinh còn yếu, nhưng người mẹ vẫn phải đối diện với những cơn đau co hồi tử cung, rách tầng sinh môn, thậm chí là tiểu không kiểm soát, đau lưng mãn tính, suy nhược toàn thân... Những điều ấy ít được nhắc tới, nhưng rất thật.
- Và không thể bỏ qua áp lực vô hình từ phía gia đình, xã hội: Phải nuôi con giỏi, phải lấy lại vóc dáng, phải vừa làm mẹ, vừa làm vợ, vừa là “người phụ nữ mạnh mẽ” mà ai cũng kỳ vọng.
Xem thêm video sau đây:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống