Làm “chuyện ấy” có dấu hiệu này chị em cần khuyên chồng đi khám gấp, điều thứ nhất hay gặp nhưng cả hai chỉ biết thở dài

Google News

Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đang ngày càng phổ biến ở nam giới, tuy nhiên không ít người lại giấu kín chuyện này vì tự ti và tế nhị, điều đó vô tình làm tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Theo một nghiên cứu từ Đại học Massachusetts (Mỹ) cho thấy, rối loạn cương dương xuất hiện ở nam giới từ 40 đến 70 tuổi, chiếm khoảng 50%. Người ta cũng ước tính khoảng 150 triệu nam giới trên toàn thế giới có rối loạn cương dương. Tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới (dưới 40 tuổi) chiếm khoảng 40%. Tại Việt Nam, tình trạng này ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Nam giới ở độ tuổi 18 - 20 cũng có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng mạnh.

BSCK 2 Nguyễn Văn Phúc (Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108) cho biết, rối loạn cương dương (RLCD) là tình trạng rối loạn chức năng cương của “cậu nhỏ” ảnh hưởng tới quá trình quan hệ tình dục của nam giới. Đây là một vấn đề phổ biến, nhưng nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, rối loạn cương có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và các mối quan hệ của người bệnh.

Rất nhiều nam giới đang gặp tình trạng RLCD nhưng lại ngại chia sẻ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Ảnh minh họa. 

Đáng nói là khi gặp tình trạng này, các cặp đôi thường ít chia sẻ với nhau vì xấu hổ, điều này càng làm cho tình trạng bệnh thêm nặng nề. Do vậy, khi có một số dấu hiệu dưới đây, nhất là xuất hiện khi làm "chuyện ấy" cần phải chú ý đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời:

Khó cương cứng hoặc không thể duy trì sự cương cứng đủ lâu để giao hợp

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của rối loạn cương dương là khi một người không thể đạt được sự cương cứng đủ lâu để hoàn thành quan hệ tình dục. Hoặc có trường hợp, dù vẫn có thể cương cứng một lúc, nhưng tình trạng này lại không duy trì được lâu. Điều này có thể do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm yếu tố tâm lý (stress, lo âu, trầm cảm) hoặc nguyên nhân sinh lý (bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, thay đổi hormone…). Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài hơn một vài tuần, đó là lúc bạn cần lưu tâm và tìm đến bác sĩ để kiểm tra.

Mất ham muốn tình dục

Mất ham muốn không phải lúc nào cũng đi kèm với RLCD, nhưng sự giảm ham muốn tình dục là một dấu hiệu phổ biến mà nhiều người bỏ qua. Khi cơ thể không còn cảm giác hưng phấn như trước, người bệnh có thể cảm thấy mất hứng thú với hoạt động tình dục. Điều này có thể là một dấu hiệu cảnh báo về sự mất cân bằng hormone, căng thẳng, hay sự lo âu. Đặc biệt, sự thiếu hụt testosterone – hormone sinh dục nam – có thể gây giảm ham muốn tình dục nghiêm trọng, cùng với những ảnh hưởng về sức khỏe sinh lý khác.

RLCD không thăm khám và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa. 

Thủ dâm cũng không thể cương cứng

Thủ dâm đúng cách và khoa học không phải là xấu, nhưng ngay cả khi tự kích thích bản thân “cậu nhỏ” vẫn không thể cương cứng, thì đó là dấu hiệu rõ ràng của RLCD. Điều này có thể phản ánh sự rối loạn chức năng sinh lý, có thể xuất phát từ các vấn đề thể chất hoặc tâm lý.

Tình trạng này cũng có thể cho thấy sự suy giảm của chức năng tuần hoàn, vì để có thể cương cứng, máu phải được lưu thông đúng cách đến dương vật. Nếu không, cơ thể sẽ không thể đạt được tình trạng cương cứng như mong muốn.

Ngoài 3 dấu dấu hiệu điển hình trên, RLCD cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi kéo dài, giảm năng lượng, tăng cân, mất ngủ, hoặc đau nhức cơ thể. Nếu có những triệu chứng này, có thể bạn đang đối mặt với một tình trạng sức khỏe tổng thể, ví dụ như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, hoặc các vấn đề về tuyến giáp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc khuyến cáo, nam giới nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào của RLCD như đã nói trên thì hãy đi gặp bác sĩ càng sớm các tốt.  Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Việc khám và điều trị sớm sẽ giúp đạt hiệu quả điều trị cao hơn. Ảnh minh họa. 

Những phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, thậm chí là phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả hơn và nhanh chóng lấy lại sự tự tin và sức khỏe tình dục. Trong đó vai trò của bạn tình/vợ rất quan trọng, khi phát hiện đối tác bị RLCD tốt nhất hãy chia sẻ và động viên chồng/bạn tình đi khám càng sớm, càng tốt.

Tuyệt đối không chữa RLCD theo mẹo, hoặc dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, dùng rượu thuốc ngâm các loại cây, con được giới thiệu giúp tăng cường sinh lý, điều này có thể làm tình trạng nặng thêm. Tóm lại, RLCD là một vấn đề sức khỏe không phải là hiếm gặp, nhưng nếu được nhận diện và điều trị sớm, người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi chức năng tình dục và cải thiện chất lượng cuộc sống.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)