Thịt lợn không phải bộ phận duy nhất có giá trị trong cơ thể con lợn. Có một bộ phận còn đắt hơn cả thịt lợn, nếu dùng đúng cách sẽ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đó là tim lợn.
Mỗi con lợn chỉ có duy nhất một quả tim nên không phải lúc nào cũng có sẵn để mua. Các chị em nếu muốn mua tim lợn phải đi chợ từ sáng sớm hoặc đặt hàng từ trước. Trên thị trường, tim lợn được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg.

Theo những người có kinh nghiệm, khi mua tim lợn chỉ nên chọn quả có màu đỏ tươi, đỏ sẫm. Bề mặt quả tim nhẵn bóng, mềm mại, màng bao tim dính liền với cơ tim, ấn vào quả tim thấy đàn hồi, có chút chất dịch huyết hồng tươi tiết ra. Tránh xa những quả tim mềm nhũn, giữa màng tim với cơ tim có nước vàng, có mùi ôi, to bất thường, thâm đen, sẫm màu hoặc nhợt nhạt, bề mặt sần sùi, tụ máu hoặc có những hạt trắng như hạt gạo… vì rất có thể là tim lợn bệnh.
Bổ quả tim lợn ra thấy máu đông hoặc chất lỏng màu sẫm đen bên trong, đó là những quả tim lợn không tươi ngon, tim lợn bệnh ăn không đảm bảo an toàn. Tốt nhất nên mua những loại đã biết được nguồn gốc từ nơi giết mổ, đã qua kiểm dịch từ những con vật khỏe mạnh không mắc bệnh.
Từ tim lợn có thể làm thành các món như hầm thuốc bắc, xào chua ngọt, nấu cháo, hấp,... Bộ phận này có vị ngọt, không ngấy nên rất dễ ăn.

Trong 100g tim lợn có chứa: Năng lượng: 94 kcal; Protein: 15,1g; Chất béo: 3,2g; Chất xơ: 0,2g; Carbohydrate: 0,6g; Cholesterol: 131mg; Kali: 294mg; Natri: 56mg; Canxi: 7mg; Sắt: 5,9mg; Photpho: 213mg; Vitamin B1: 0,34mg; Vitamin B2: 0,18mg; Vitamin PP: 5,7mg; Vitamin C: 1mg...
Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, tim lợn là thực phẩm tốt cho sức khỏe:
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nhiều nghiên cứu cho thấy tim lợn, khi được chế biến đúng cách và sử dụng hợp lý, có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch.
Theo Tạp chí Dinh Dưỡng Châu Âu, tim lợn chứa nhiều vitamin nhóm B, đặc biệt là B6 và B12, giúp duy trì mức homocysteine ổn định trong máu. Nồng độ homocysteine cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì vậy việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin B như tim lợn có thể giúp giảm nguy cơ này.
Tăng cường hệ miễn dịch
Tim lợn giàu khoáng chất thiết yếu như kẽm và sắt, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ miễn dịch.
Kẽm giúp cơ thể sản xuất tế bào miễn dịch và tăng cường khả năng chống lại tác nhân gây bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bổ sung thực phẩm giàu kẽm như tim lợn có thể hỗ trợ chức năng miễn dịch, đặc biệt có lợi cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Hỗ trợ hệ thần kinh
Việc tiêu thụ tim lợn với lượng phù hợp có thể giúp tăng cường chức năng hệ thần kinh, thúc đẩy quá trình hình thành hồng cầu và duy trì sức khỏe tế bào.
Bổ máu
Tim lợn cùng với các loại nội tạng động vật khác là nguồn cung cấp sắt dồi dào, giúp cơ thể sản sinh hồng cầu và ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.
Chống oxy hóa
Tim lợn cũng chứa một lượng lớn selen – khoáng chất giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Ngoài tim lợn, gan ngỗng cũng là một nguồn bổ sung selen dồi dào.
Giảm mệt mỏi, tăng cường năng lượng
Tim lợn chứa hàm lượng cao vitamin B12, hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate thành năng lượng, giúp cơ thể giảm cảm giác mệt mỏi.
Những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể hưởng lợi từ việc bổ sung tim lợn vào chế độ ăn.
Lưu ý khi sử dụng tim lợn
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng, tim lợn cũng chứa lượng cholesterol đáng kể. 100g tim lợn có khoảng 230mg cholesterol, gần chạm ngưỡng 300mg/ngày – mức khuyến nghị tối đa cho người trưởng thành. Do đó, những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao cần cân nhắc khi tiêu thụ.
Về khẩu phần hợp lý:
Người lớn có thể ăn 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 50-70g.
Trẻ em nên ăn khoảng 30-50g mỗi lần để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.