Bên cạnh các bộ phận quen thuộc của lợn như: sườn, thịt ba chỉ, thịt mông, tim, lòng… đuôi lợn dù ít xuất hiện trong mâm cơm, nhưng lại được các chuyên gia đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng.
Tại các chợ hay siêu thị, đuôi lợn được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Vì mỗi con lợn chỉ có một cái đuôi nên phải đi chợ từ sớm hoặc đặt từ trước mới mua được.

Cách chọn đuôi lợn tươi ngon là da nhẵn, màu sáng, ấn tay vào có độ đàn hồi, không có mùi bất thường. Dùng bã mía hoặc rơm nếp, nếu không có dùng khò ga thui kỹ đuôi lợn chuyển màu nâu sậm. Sau đó, cạo phần tro dính, xóc chút muối hạt, rượu trắng hoặc chanh khử mùi rồi rửa sạch, chặt miếng vừa ăn rồi mang đi chế biến.
"Trước đây, sau khi làm thịt lợn xong, đuôi lợn thường để các anh nhắm rượu chứ không mấy ai ăn. Nhưng từ khi biết tới giá trị dinh dưỡng của đuôi lợn, mình thường bổ sung thêm vào thực đơn của gia đình mỗi tuần một lần.
Đuôi lợn sau khi làm sạch có thể hầm thuốc bắc, hầm ngải cứu, luộc chấm muối tiêu, nướng, rang muối, đều là những món ngon và bổ dưỡng", chị Ngọc (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

100g đuôi lợn có chứa: 17,7g protein, 33,5g chất béo, 1,12mg vitamin B3, 0,07mg vitamin B1, 0,07mg vitamin B2, 14mg canxi, 47mg photpho, 25mg natri, 157mg kali. Đuôi lợn không chứa carbohydrate.
Ngoài ra, trong 100g đuôi lợn có chứa 1,64mg kẽm chiếm khoảng 15% so với giá trị hàng ngày (trên khẩu phần ăn 2000 calo khuyến cáo dinh dưỡng chung).
Những tác dụng của đuôi lợn với sức khoẻ:
Bổ sung collagen tự nhiên cho làn da
Không nhiều người để ý rằng phần đuôi lợn – với thành phần chủ yếu là da, gân và sụn – lại là “kho báu” collagen tự nhiên. Khi bước qua tuổi 25, phụ nữ bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt collagen, dẫn đến làn da khô sạm, chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn. Việc thêm đuôi lợn vào thực đơn sẽ giúp cơ thể được "nạp" thêm collagen, từ đó hỗ trợ làn da giữ được độ căng bóng, mịn màng và săn chắc hơn theo thời gian.
Hỗ trợ phát triển xương cho trẻ nhỏ
Trong giai đoạn tăng trưởng, cơ thể trẻ cần rất nhiều dưỡng chất để phát triển toàn diện, đặc biệt là về xương. Tủy và sụn có trong đuôi lợn là nguồn cung cấp collagen, canxi photphat và các dưỡng chất thiết yếu như osteomucin – những thành phần quan trọng giúp nuôi dưỡng tế bào xương và thúc đẩy sự phát triển hệ vận động một cách tối ưu.

Thêm một vài món canh hay hầm từ đuôi lợn vào bữa ăn sẽ là cách vừa ngon miệng, vừa hữu ích để nâng cao sức khỏe xương cho bé.
Ngăn ngừa loãng xương ở người lớn tuổi
Tuổi tác càng cao, hệ xương càng dễ suy yếu và việc loãng xương là điều khó tránh khỏi. Thay vì quá lo lắng, hãy bổ sung đuôi lợn vào bữa ăn hằng tuần. Lượng khoáng chất và tủy xương trong phần đuôi sẽ góp phần duy trì mật độ xương, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt canxi.
Ngoài ra, món ăn này còn được cho là có tác dụng cải thiện tình trạng đau lưng, mỏi gối do làm việc nặng nhọc hoặc phụ nữ sau sinh cần phục hồi.
Bổ thận, ích tinh
Y học cổ truyền Việt Nam vẫn lưu giữ một bài thuốc từ đuôi lợn giúp bổ thận, ích tinh, tăng cường sinh lực.
Cách làm: Chuẩn bị 100g đuôi lợn, 1 miếng trần bì, 10 hạt hạch đào đã bóc vỏ, 10 hạt lạc và một chút muối. Đuôi lợn rửa sạch, chặt khúc vừa ăn, đun sôi cùng các nguyên liệu kể trên, để lửa nhỏ và hầm đến khi nhừ. Dùng nóng để phát huy tối đa công dụng.
Lưu ý khi sử dụng
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đuôi lợn cũng chứa lượng chất béo bão hòa khá cao – chiếm khoảng 58% lượng chất béo tổng cộng – và có đến 96mg cholesterol trên mỗi 100g, cao hơn mức trung bình trong thịt lợn.
Vì thế, dù là món ngon, bạn cũng nên ăn một cách chừng mực. Đặc biệt, người mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp hoặc béo phì nên hạn chế tối đa, chỉ nên dùng với tần suất thấp (1 lần mỗi tuần là hợp lý) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.