Tuy có nhiều sự tiếc nuối khi chưa có thành tích tốt ở thế vận hội Olympic Paris 2024 nhưng các đội tuyển, vận động viên đã cùng nhau nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo. Trong khi đó, ở các giải đấu cấp khu vực, các đội tuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, các nữ vận động viên liên tục bứt phá, cùng nhau tạo nên những kỳ tích đặc biệt mà mỗi khi nhìn lại, ai cũng tự hào vì sự trưởng thành, lăn xả hết mình để ghi bàn, ghi điểm, tạo nên “địa chấn” trong khu vực.
Với các thành tích này đã tạo tiền đề để giai đoạn tiếp theo, thể thao Việt Nam tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
ĐT Futsal nữ: Giành chức vô địch Đông Nam Á, vươn lên hạng 11 thế giới
Thành công nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2024 phải kể đến đội tuyển Futsal nữ, khi các cô gái áo đỏ giành ngôi vô địch giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thái Lan.
Nếu so với vị trí của đội tuyển Futsal nữ Việt Nam với vị trí hạng 6 thế giới của tuyển Futsal nữ Thái Lan cho thấy sự cách biệt rất lớn về thực lực. Tuy nhiên, các cô gái vàng Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 2-1, nhờ sự tỏa sáng của những cá nhân xuất sắc và trên hết là tinh thần đồng đội bền chặt, gắn kết vì màu cờ sắc áo.
Trong xuyên suốt hành trình chinh phục ngôi vị cao nhất, các cô gái đội tuyển Futsal nữ Việt Nam thi đấu chặt chẽ, chắc chắn, công thủ toàn diện. Nhờ đó, đã tạo nên thành tích vẻ vang trong lịch sử Futsal nữ Việt Nam. Từ thành tích này, đội tuyển Futsal nữ Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá cao về sức mạnh và dự đoán sẽ còn bứt phá nhiều bậc trên bảng xếp hạng thế giới.

Đây là lần đầu tiên đội tuyển Futsal nữ Việt Nam đăng quang tại giải đấu vô địch Đông Nam Á, đánh dấu bước tiến lớn của môn thể thao này.
ĐT Bóng chuyền nữ: Lần đầu giành vé tham gia cúp Thế giới, vươn mình ra quốc tế
Năm 2024 là năm mang nhiều dấu ấn đặc biệt với bóng chuyền nữ Việt Nam. Tại FIVB Challenge Cup 2024, đội tuyển bóng chuyền nữ Quốc gia đã thi đấu xuất sắc và giành hạng Ba, đồng thời lần đầu tiên giành vé tham dự Cúp Thế giới 2025 - một trong những giải đấu danh giá nhất của bộ môn bóng chuyền.
Đáng chú ý, đội tuyển bóng chuyền nữ thi đấu bằng một tập thể trẻ trung, nhiều gương mặt mới được phát hiện từ giải quốc gia và các trung tâm đào tạo địa phương. Đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy tiếp tục khẳng định vai trò thủ lĩnh cả trong lối chơi lẫn tinh thần, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận. Hay những cái tên như Bích Tuyền, Tú Linh, Như Quỳnh… đều đã chứng minh được năng lực cho khán giả và sự tiến bộ vượt bậc trong lối chơi bóng, luôn lăn xả để ghi điểm.

Bên cạnh đó, nhiều vận động viên bóng chuyền nữ đã được ra nước ngoài thi đấu, điển hình như chủ công Trần Thị Thanh Thúy sang tham dự CLB của Nhật Bản hay sắp tới là Thổ Nhĩ Kỳ, hay phụ công Trần Thị Bích Thủy được thử sức, cọ xát ở một CLB tại Hàn Quốc. Việc được thi đấu ở môi trường quốc tế giúp các vận động viên trau dồi kỹ năng, chiến thuật, đồng thời nâng cao thể lực và bản lĩnh thi đấu.
Điền kinh Việt Nam: Các “nữ hoàng” bứt phá, liên tục “hái vàng”
Năm 2024 đánh dấu một hành trình đầy tự hào của điền kinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế và quốc nội. Mặc dù không có các sự kiện lớn như SEA Games hay ASIAD, các vận động viên đã tập trung vào việc cải thiện thành tích cá nhân và hướng đến các mục tiêu dài hạn.
Một trong những điểm sáng của năm là sự trở lại mạnh mẽ của các gương mặt kỳ cựu như Quách Thị Lan - người đã giành huy chương Vàng ở nội dung 400m rào tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2024. Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục khẳng định vị thế "nữ hoàng điền kinh" với cú hat-trick huy chương Vàng ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật tại giải quốc gia 2024.

Ở đấu trường quốc tế, đội tuyển tiếp sức 4x400m nữ đã có những màn trình diễn ấn tượng, giành huy chương Vàng tại Giải điền kinh các nội dung tiếp sức vô địch châu Á. Mặc dù, không giành được vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024 nhưng thành tích này cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của các vận động viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, điền kinh Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc tìm kiếm và đào tạo các nhân tố mới để kế thừa lớp vận động viên hiện tại. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và các chương trình huấn luyện chuyên nghiệp là rất cần thiết để điền kinh Việt Nam tiếp tục phát triển và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
ĐT Bóng đá Việt Nam: Vẻ vang ở ASEAN Cup, giành chức vô địch đầy kịch tính
Thành công lớn nhất trong năm vừa qua của bóng đá Việt Nam phải kể đến chức vô địch danh giá ở giải ASEAN Cup 2024. Sau một hành trình đầy kịch tính và cảm xúc, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Thái Lan trong trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình với tỷ số 3-2, nâng cao chiếc cúp vô địch. Hơn hết, đây cũng là chiến thắng quan trọng trước đội tuyển hàng đầu Đông Nam Á trên sân nhà giúp khán giả thỏa mãn sau 27 năm chờ đợi. Đây cũng lần thứ ba đội tuyển nam giành ngôi vị cao nhất tại sân chơi Đông Nam Á, tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong khu vực.
Bên cạnh đó, ở cấp độ trẻ, đội tuyển U23 Việt Nam tuy chỉ lọt vào đến Tứ kết của U23 châu Á nhưng màn trình diễn đậm nét của các cầu thủ trẻ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho tương lai. Đây là lứa cầu thủ được đầu tư bài bản, với sự phối hợp giữa các trung tâm đào tạo trong nước và các chuyến tập huấn quốc tế.

Việc cầu thủ nhập tịch Xuân Son khoác áo đội tuyển bóng đá Quốc gia đã giúp các tuyển thủ có thể triển khai nhiều chiến thuật mới mẻ, dành chiến thắng trước các đối thủ trong khu vực.
ĐT Paralympic Việt Nam: Dấu ấn bền bỉ tại đấu trường thế giới
Tại Paralympic Paris 2024, đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 7 tuyển thủ, mang theo khát vọng vượt lên chính mình. Trong đó, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công tiếp tục là điểm sáng với tấm huy chương Đồng ở hạng cân 49kg nam.

Đây là lần thứ ba liên tiếp Lê Văn Công giành huy chương tại đấu trường Paralympic, sau khi từng giành huy chương Vàng tại Rio 2016 và huy chương Bạc tại Tokyo 2021.
Sự hiện diện của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paris không chỉ là niềm tự hào mà còn thể hiện sự đầu tư bài bản, dài hơi cho thể thao thành tích cao, bất kể điều kiện tập luyện còn nhiều hạn chế. Các vận động viên như Nguyễn Thị Hải (điền kinh), Nguyễn Bình An (cử tạ) cũng thi đấu đầy nỗ lực, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ thể thao người khuyết tật thế giới.
ĐT Việt Nam tại Olympic Paris 2024: Kỳ vọng lớn song lại tạo nên sự tiếc nuối
Ngược lại với thành công ở một số môn, đội tuyển thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 lại để lại nhiều tiếc nuối. Tại Olympic Paris 2024, Việt Nam có 16 vận động viên/11 môn giành suất tham dự. Tuy không đạt được huy chương nhưng các vận động viên, huấn luyện viên đã nỗ lực thi đấu hết mình, thông số thành tích của hầu hết VĐV ở các môn như: Rowing, bắn súng, bắn cung, xe đạp,… đều được cải thiện. Các môn đối kháng trực tiếp như cầu lông, boxing cũng thể hiện được nhiều dấu ấn.
Các niềm hy vọng như kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (bơi), nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh, hay vận động viên Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) đều dừng bước sớm. Dù vậy, các vận động viên vẫn nhận được sự cảm thông từ người hâm mộ bởi tính cạnh tranh khốc liệt của sân chơi thế vận hội.
Niềm hy vọng đoạt huy chương lớn nhất trong năm nay tại Olympic Paris dành cho xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Thế nhưng, trình độ của cô gái người Thanh Hóa với các vận động viên hàng đầu thế giới vẫn có khoảng cách rất lớn. Thu Vinh vào chung kết cả 2 nội dung tham dự nhưng chỉ về thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao. Tuy nhiên, với một vận động viên sinh năm 2000 với sân chơi đẳng cấp thế giới thì không thể đặt quá nhiều áp lực lên vai cô gái trẻ. Nhờ sân chơi này mà bản thân Thu Vinh hay những vận động viên khác được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện và phấn đấu hơn nữa trong tương lai.

Dù không giành được huy chương nhưng một số vận động viên được kỳ vọng đã thể hiện tốt, vượt qua được chính mình.
Định hướng 2025: Hướng đến SEA Games, ASIAD và nâng tầm quốc tế
Sau một năm với nhiều cung bậc cảm xúc, ngành thể thao Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao năm 2025, trong đó trọng tâm là SEA Games lần thứ 33 dự kiến tổ chức tại Thái Lan và các giải vô địch châu Á, thế giới ở nhiều bộ môn. Đặc biệt, sẽ chú trọng đầu tư để có kết quả cao trong nhóm gồm 16 môn trọng điểm là điền kinh, bắn súng, bơi, cử tạ, bắn cung, taekwondo, đấu kiếm, boxing, thể dục dụng cụ, xe đạp, judo, karate, wushu, cầu lông, cầu mây và đua thuyền.
Trong tương lai, liên đoàn, ban huấn luyện các bộ môn thể thao, tiếp tục củng cố hệ thống đào tạo trẻ, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, đưa vận động viên xuất ngoại tập huấn dài ngày để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Mục tiêu năm 2025 không chỉ là vị trí top đầu tại SEA Games mà còn hướng tới sự bền vững trong đào tạo lực lượng trẻ, xây dựng hình ảnh thể thao Việt Nam chuyên nghiệp, hội nhập, từng bước vươn tầm châu lục và thế giới.
Thể thao Việt Nam trong năm 2024 là một hành trình không ngừng nghỉ, nơi mồ hôi, nước mắt và những nỗ lực thầm lặng của hàng ngàn con người đã góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Giữa niềm vui chiến thắng và nỗi tiếc nuối, điều đáng quý nhất chính là khát vọng vươn lên, sự tiến bộ và rút kinh nghiệm sau những lần thất bại. Hơn hết là tinh thần Việt Nam luôn rực cháy trong từng bước chạy, từng cú đánh, từng nhịp tim trên đấu trường thể thao. Năm 2025 đang mở ra với nhiều cơ hội mới, và thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước với khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới.