Tết Hàn thực, hay tết bánh trôi, bánh chay, rơi vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Trong truyền thống văn hóa của người Việt, đây là một trong những ngày để thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn đối với tổ tiên, cũng là dịp quan trọng để gia đình sum họp, thể hiện tình cảm bằng cách chung tay nặn bánh trôi, bánh chay, dâng lên thờ cúng ông bà.
Do bánh trôi, bánh chay không được làm thường xuyên trong năm, vì thế trong dịp này nhiều người có tâm lý ăn thoải mái, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này là không nên. Theo đó, Tết Hàn thực mang ý nghĩa truyền thống nhiều hơn là ẩm thực, trong đó hai loại bánh chỉ là vật tượng trưng để dâng cúng vì thế mọi người chỉ nên ăn thưởng thức.
Xét về khía cạnh dinh dưỡng và sức khỏe, bánh trôi và bánh chay đều được làm từ gạo nếp, kèm theo đó là mật hoặc đường để tạo vị ngọt. Ngoài ra, một số nơi còn cho thêm vừng, cùi dừa non để tăng thêm độ ngon. Hoặc cũng có thể là cho tạo màu tự nhiên như màu đỏ, màu vàng, màu tím hoặc màu xanh từ một số loại lá cây.

Bánh trôi, bánh chay dù ngon nhưng không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa.
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, nhìn tổng thể món ăn này không cân đối về mặt dinh dưỡng, khi có quá nhiều chất đường bột từ gạo và đường, trong khi đó thiếu chất đạm, chất xơ và chất béo. Do vậy, nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ dẫn tới thiếu dinh dưỡng, nhưng vẫn có thể gây tăng cân vì lượng calo trong gạo nếp và đường khá cao.
Cụ thể, trong 100g gạo nếp có 74,9g glucid, 8,6g protid, 1,5g lipid, 14g nước, 0,6g xeluloza, 0,8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1,2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP. Ngoài ra, dù là bánh trôi nước hay bánh trôi khô hay bánh chay cũng đều chứa lượng đường (mật) khá cao, khi ăn có vị ngọt sắc nên trẻ nhỏ và nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, nhất là ăn liên tục trong thời gian dài sẽ có nguy cơ gây tăng cân, rối loạn tiêu hóa và đường huyết tăng vụt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ăn quá nhiều đường thì khả năng hấp thụ dưỡng chất cũng sẽ trở nên hạn chế hơn, nhất là những vitamin A - C - B12, canxi,... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chức năng miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ bị mắc các bệnh lý về tim mạch hay béo phì,...
Ngoài ra, đường còn khiến cho glucose trong máu tăng cao và cơ thể dễ bị suy nhược. Đặc biệt, khi lượng đường ở trong máu tăng quá cao có thể khiến cho các hormone bị kích thích. Điều này có thể khiến người sử dụng dễ bị cáu kỉnh và bực bội. Chính vì vậy, nên hạn chế các món ăn ngọt trong đó có bánh trôi, bánh chay để kiểm soát cảm xúc cá nhân và hạn chế tình trạng stress.

Khi ăn bánh trôi, bánh chay cần cho thêm chút gừng để tăng hương vị và dễ tiêu hơn. Ảnh minh họa.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cũng khuyến cáo, không nên ăn quá nhiều bánh trôi, bánh chay vì sẽ gây nên tình trạng khó tiêu. Do vậy, ngoài việc ăn ít, khi chế biến hoặc ăn cũng nên cho thêm gừng vào món ăn để vừa tạo vị cay nóng nhẹ, vừa giúp tiêu hóa tốt hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gừng chứa các hợp chất gọi là gingerols và shogaols, có đặc tính chống viêm, làm dịu đường tiêu hóa và giảm các triệu chứng khó tiêu và buồn nôn. Bằng cách thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh, nước gừng giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn hiệu quả hơn.
Trong ngày Tết Hàn thực nói riêng và những ngày khác trong năm nói chung, các chuyên gia khuyến cáo, người khỏe mạnh mỗi lần sử dụng chỉ khoảng 100g bánh thành phẩm. Một số người không nên ăn hoặc chỉ ăn rất ít như:
- Người bị béo phì, thừa cân nên hạn chế ăn để tránh bị tăng cân;
- Người bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu: Cần tránh ăn nhiều đường và tinh bột, nên hạn chế hoặc không nên ăn loại bánh này.
- Phụ nữ mang thai, nhất là người bị tiểu đường thai kỳ cũng không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt và giàu tinh bột này.
- Người mắc bệnh tiêu hóa: Tinh bột trong gạo nếp là loại tinh bột phân nhánh, khó tiêu hóa hơn tinh bột trong gạo tẻ, do đó dạ dày thường phải hoạt động co bóp và tiết ra dịch vị nhiều hơn để tiêu hóa được. Từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, viêm loét... ở những người bị bệnh lý về đường tiêu hóa.