Áp lực từ chính sự “hoàn hảo”
Từ nhỏ, nhiều bé gái đã được dạy phải ngoan ngoãn, lễ phép, biết nghe lời, không được cãi người lớn, không được làm phật lòng ai, và luôn đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân. Những lời khen như “con bé đó ngoan lắm, cái gì cũng biết nhịn”, hay “chỉ mong con gái lớn lên như thế” vô tình trở thành chiếc khuôn, khiến nhiều cô gái lớn lên với niềm tin rằng: Mình chỉ có giá trị khi biết hy sinh, làm vừa lòng người khác và không để lộ cảm xúc tiêu cực.
Khi một người phụ nữ sống để đáp ứng kỳ vọng của người khác thay vì sống thật với chính mình, tình trạng đó được gọi là “Hội chứng con gái ngoan” (Good Girl Syndrome).
Theo chuyên gia trị liệu Tâm lý Diane Lang, tác giả cuốn sách Worthy: “Hội chứng con gái ngoan là hệ quả từ việc nhiều phụ nữ được nuôi dạy để trở thành người dịu dàng, chăm sóc, biết vâng lời, không làm phiền người khác. Đây là một đặc điểm được học và củng cố trong quá trình trưởng thành, chứ không phải tính cách bẩm sinh”.

"Hội chứng con gái ngoan" được hình thành do cách được nuôi dạy và áp lực xã hội. (Ảnh minh họa).
Lang chia sẻ: “Nhiều phụ nữ được dạy phải dịu dàng, chăm sóc người khác và nhường nhịn để đảm bảo mọi người xung quanh hạnh phúc. Điều này khiến họ quên mất việc chăm sóc chính mình”.
Hội chứng này không chỉ giới hạn ở giới nữ, nhưng theo bà Lang, phụ nữ là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất vì định kiến giới và cách nuôi dạy truyền thống. Từ nhỏ, con gái thường được dạy rằng họ “phải ngoan”, “phải biết điều”, “phải hy sinh vì người khác”. Lâu dần, điều này tạo ra một khuôn mẫu sống gắn liền với việc đánh đổi bản thân để được yêu quý, chấp nhận, khen ngợi.
Họ luôn cố gắng hoàn hảo, tránh làm phiền người khác, sợ bị ghét, sợ làm ai buồn lòng. Họ giỏi kiềm chế, giỏi nhẫn nhịn, luôn là “người biết điều”, nhưng đôi khi, chính sự “tốt bụng quá mức” ấy lại là cái bẫy khiến họ dần đánh mất cảm xúc, nhu cầu và thậm chí là cả sức khỏe tinh thần.
Không ít người phụ nữ mắc phải hội chứng này thường không nhận ra vấn đề, vì được xã hội “khen thưởng”, họ được xem là mẫu mực, lý tưởng. Nhưng đằng sau sự dịu dàng và đảm đang ấy là những cơn mệt mỏi kéo dài, cảm giác trống rỗng, khó ngủ vào ban đêm và nỗi tủi thân khi không ai thấy được họ cũng cần được yêu thương, thấu hiểu.
Khi ngoan quá… khiến cơ thể lên tiếng
Dù xuất phát từ ý định tốt, nhưng theo các chuyên gia tâm lý học sức khỏe, lối sống “làm hài lòng người khác bằng mọi giá” có thể gây ra tác động sinh lý giống như stress mãn tính, dẫn đến hàng loạt vấn đề thể chất.
1. Vấn đề tiêu hóa
Việc thường xuyên kìm nén cảm xúc và chịu áp lực phải giỏi giang, tử tế hay không được làm phật lòng ai khiến cơ thể luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Điều này kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm tăng tiết axit dạ dày và ức chế nhu động ruột, gây ra các triệu chứng như: Đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
Thậm chí, với những người đã có sẵn nền tảng nhạy cảm về tiêu hóa, “hội chứng con gái ngoan” có thể làm trầm trọng các bệnh như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc viêm loét dạ dày tá tràng.

Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí viêm loét dạ dày. (Ảnh minh họa).
2. Nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi kéo dài
Căng thẳng liên tục khiến cơ thể sản sinh cortisol - hormone stress ở mức cao trong thời gian dài. Điều này làm rối loạn tuần hoàn máu lên não, gây ra đau đầu mãn tính, đau mỏi cổ vai gáy và cảm giác kiệt sức dù không vận động nhiều.
Người mắc hội chứng này cũng thường khó thở sâu, nông thở, dẫn đến thiếu oxy tế bào và cảm giác mệt mỏi mơ hồ kéo dài.
3. Rối loạn giấc ngủ
Một đặc điểm khác của “người con gái ngoan” là bận tâm quá nhiều về việc người khác nghĩ gì kể cả lúc đi ngủ. Những suy nghĩ như “Liệu mình có làm ai buồn không?"; “Mình từ chối như vậy có quá đáng không?”… sẽ âm thầm quay vòng trong đầu, khiến người bệnh khó ngủ sâu hoặc hay giật mình giữa đêm.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ, stress kéo dài làm giảm nồng độ melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ, đồng thời làm tăng adrenaline, khiến cơ thể luôn trong trạng thái “chuẩn bị ứng phó” thay vì nghỉ ngơi phục hồi. Dần dần, mất ngủ mãn tính sẽ kéo theo rối loạn tâm trạng, tăng nguy cơ trầm cảm và suy giảm miễn dịch.
4. Ăn uống thất thường, rối loạn cảm giác thèm ăn
Dù không phải ai cũng bị rối loạn ăn uống nặng, nhưng theo bà Lang, “hội chứng con gái ngoan” có thể dẫn đến những biểu hiện như: Ăn quá ít vì không còn cảm giác thèm ăn, ăn uống để làm dịu cảm xúc (emotional eating) hoặc ăn uống thất thường do thiếu thời gian chăm sóc bản thân.
Tình trạng này khiến hệ thống nội tiết rối loạn, làm mất cảm giác thèm ăn sinh lý và ảnh hưởng đến trao đổi chất. Về lâu dài, họ dễ tăng cân mất kiểm soát hoặc sụt cân không lý do, kèm theo thiếu vi chất dinh dưỡng và giảm sức đề kháng. Nhiều trường hợp dẫn đến rối loạn ăn uống thực sự như chứng cuồng ăn (binge eating disorder) hoặc chán ăn tâm lý (anorexia nervosa) nếu không được nhận diện và can thiệp đúng cách.

Một số người chán ăn do phải đối phó với cảm xúc tiêu cực. (Ảnh minh họa).
Học cách “không ngoan” nữa
Theo chuyên gia Diane Lang, quá trình chữa lành bắt đầu bằng sự tự nhận thức: Dám nhìn lại cách mình đang sống và đối xử với chính mình.
“Hãy học cách thiết lập ranh giới. Hãy học cách nói "không" mà không cần xin lỗi. Và hãy xem việc chăm sóc bản thân là điều hiển nhiên, không phải một phần thưởng chỉ đến khi bạn làm hài lòng người khác”, bà Lang nói.
Nữ chuyên gia cũng đưa ra một vài gợi ý đơn giản để bắt đầu như:
- Viết nhật ký mỗi sáng: Ghi lại những suy nghĩ đang khiến bạn lo lắng, không cần chỉnh sửa hay phán xét.
- Tập nói “không” với những yêu cầu bạn không muốn hoặc không thể đáp ứng.
- Dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày cho hoạt động khiến bạn thấy nhẹ nhõm: Đi bộ, nghe nhạc, đọc sách, thiền chánh niệm...
- Xem một nhà trị liệu hoặc tư vấn tâm lý nếu bạn thấy mình mắc kẹt quá lâu trong kiểu hành vi này.

Viết nhật ký cảm xúc để luyện thói quen thành thật với chính mình. (Ảnh minh họa).
“Hội chứng con gái ngoan” không phải là thứ cần loại bỏ hoàn toàn. Sự tử tế và quan tâm là những phẩm chất đẹp. Nhưng nếu sự tử tế đó khiến bạn quên mất chính mình, đánh đổi sức khỏe và luôn sống trong nỗi sợ bị từ chối, thì đó không còn là lòng tốt, mà là một dạng giam hãm.
Làm người tử tế không có nghĩa là phải đau đầu, đau bụng và mất ngủ mỗi đêm. Đôi khi, bạn cần “không ngoan” một chút để được sống đúng với mình, để khỏe mạnh hơn, và cũng để yêu thương người khác một cách lành mạnh hơn.