3 đứa trẻ không biết cha là ai, mẹ bỏ đi biệt tích và cuộc sống khốn khổ khiến ai cũng xót xa

Google News

Hiện tại vợ chồng chị Sữa phải đi làm thuê làm mướn hoặc ai thuê gì làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống cũng như tiền học của 3 đứa cháu ngoại.

Ở Ninh Thuận có 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ vô cùng đáng thương, chỉ cần nhắc đến là bà con có thể kể vanh vách về hoàn cảnh của chúng. Chị Thị Mừng – một người hàng xóm của 3 đứa trẻ cho biết: “Thương lắm! Chúng sở hữu nét đẹp xinh xắn tựa như thiên thần ở vùng núi cao. Vậy mà chúng lại chẳng nhận được tình yêu thương của cha mẹ gì hết. Thậm chí chúng còn không biết rõ mặt của cha, chẳng biết nguồn gốc bên nội ra sao?

Hằng ngày chúng đi học về sẽ ra mương suối câu cá cùng bà cố kiếm cái ăn. Hễ gặp người lớn trong làng là chúng lễ phép cúi chào. Chúng tôi rất muốn đỡ đần cuộc sống của 3 đứa mà cực nỗi cũng nghèo khổ, thi thoảng cho miếng thịt hay cái bánh thôi”.

Sau đó người phụ nữ dẫn chúng tôi men theo đường rừng, ra con suối nhỏ gặp gỡ bọn trẻ - đang ngồi câu cá cùng bà cố. “Tôi không rõ mình bao tuổi nữa đâu. Tôi chỉ biết mình là cụ của đám trẻ này. Chúng nó không chung bố, mẹ thì bỏ đi biệt tích. Giờ con trai con dâu của tôi – tức ông bà ngoại của chúng nuôi dưỡng thôi.

cụ Phe – bà cố của 3 đứa trẻ.

Cuộc sống của các con khó khăn nên chiều nào tôi cũng cầm cần ra đây câu cá suối cái mương cải thiện bữa ăn. Tụi nhỏ thấy thế cũng chạy theo sau đi câu cùng. Tôi thương chúng lắm nhưng không biết phải làm sao”, cụ Phe – bà cố của 3 đứa trẻ mở đầu câu chuyện.

Thấy bà cô nói chuyện với người là, bé Hải (10 tuổi) không khỏi tò mò và có sự đề phòng nhất định. Song khi được hỏi về hoàn cảnh của bản thân, cậu bé bỗng rưng rưng: “Con là anh cả, dưới con có bé Hằng và bé Huyền nữa. Chúng con sống cùng ông bà và cụ, còn mẹ đi biệt tích từ năm con học lớp 1.

Bữa trước mẹ có về thăm tụi con nhưng được 2 ngày đã đi rồi. Mẹ không nói lý do phải đi xa, cũng không dặn dò gì chúng con cả. Con buồn lắm vì các bạn có cha mẹ, còn anh em con không có”.

Bé Hải buồn buồn khi nhắc đến mẹ.

Và khi cá đầy giỏ cũng là lúc mặt trời xuống núi, cụ Phe dắt 2 đứa cháu ngoại về lại căn nhà xập xệ trên núi. Bên trong nhà chẳng có gì đáng giá, thậm chí chiếc giường cho đám trẻ nằm ngủ cũng không. Chị Thị Sữa (SN 1976) – bà ngoại của 3 đứa trẻ nói: “Nhà chật lại xây dựng từ lâu lắm rồi nên mưa một tí là rột ướt sạch. Tôi nhớ có bữa mưa hoài, chúng chẳng có chỗ trú, rét run cả đêm đó.

Khi nào chúng ngủ thì trải chiếu ra thôi, còn học thì kê sách vở lên khúc gỗ kia. Tôi biết các cháu sống trong căn nhà này phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng đâu có sự lựa chọn nào khác”.

Còn đây là bé Huyền - em gái cùng mẹ khác cha của Hải.

Nhắc đến cha mẹ ruột của 3 đứa trẻ, người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ không ngần ngại tiết lộ 3 bé không chung cha, có nghĩa mỗi đứa trẻ có một người cha riêng. “Con gái tôi đi mần thuê xa nhà rồi có bầu là về đây ở. Mỗi lần bầu nó đều nói là một người đàn ông khác nhau. Nó cũng chưa bao giờ dẫn cha của tụi nhỏ về ra mắt cả. Vì thế chúng tôi đâu có biết cha ruột của tụi nhỏ là ai đâu cơ chứ.

Nó sinh xong là để tụi nhỏ ở đây để vợ chồng tôi chăm sóc rồi đi biền biệt. Thi thoảng nó về nhà được 1-2 ngày rồi lại đi, cũng chẳng gửi đồng nào nuôi lũ trẻ. Tôi trách giận nó lắm nhưng “con dại cái mang”, không dạy được con thì phải chấp nhận thôi”, chị Sữa bộc bạch.

Hiện tại vợ chồng chị Sữa phải đi làm thuê làm mướn hoặc ai thuê gì làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống cũng như tiền học của 3 đứa cháu ngoại. Chị thường đi rẫy cỏ hoặc trồng mỳ với mức lương 150.000 đồng/ngày. Còn những ngày thất nghiệp sẽ lên rừng hái rau quả dại, đào củ hoặc ra suối câu cá về ăn.

3 anh em của Hải.

“Ở đây chẳng có việc ổn định để mần. Vì thế tôi đành chịu cảnh các cháu không đủ gạo ăn hoặc thiếu thốn thịt trứng. Nếu ai hỏi có ước mơ gì, tôi chỉ mong có tiền sửa lại căn nhà cho đỡ rột nát rồi có thêm tiền cho thằng Hải đi mổ cái chân thôi”, người phụ nữ dân tộc chia sẻ.

Khi được hỏi chân bé Hải làm sao, chị Sữa cho biết cách đây vài tháng bé đi học về bị người ta tông xe. Bác sĩ đã đống đinh vào chân để cố định đợi khi nào lành sẽ mổ lấy ra. Song chị không có tiền đưa cháu ngoại xuống tỉnh để phẫu thuật gắp đinh. Vì thế chị ước ao có vài triệu để cháu có thể rút đinh ra, chấm dứt tình trạng đau nhức lúc trái gió trở trời.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)