Ra đời của quốc hiệu đầu tiên
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” - câu ca dao là lời nhắc nhở để thế hệ con rồng cháu tiên nhớ về những người có công xây dựng đất nước từ thuở sơ khai.
Theo đó, Hùng Vương là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, triều đại được cho là được lập ra hơn 4000 năm trước. Câu chuyện các vua Hùng không có trong chính sử mà nằm trong các truyền thuyết dân gian của người Việt được ghi chép, truyền tai qua nhiều thế hệ.

Trong tâm thức của người Việt, các vua Hùng đại diện cho tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc.
Có tổng cộng 18 vị vua Hùng, bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương, lên ngôi năm 41 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm. Đây cũng là người sáng lập nhà nước Xích Quỷ, đặt nền móng đầu tiên cho thời đại Hùng Vương.
Và sau đó là nhiều vị vua khác với những đóng góp, tạo nên trang sử hào hùng của dân tộc gồm: Hùng Lân Vương (2524 - 2253 TCN), Hùng Việp Vương (2252 - 1913 TCN), Hùng Hy Vương (1912 - 1713 TCN), Hùng Huy Vương (1712 - 1632 TCN), Hùng Chiêu Vương (1631 - 1432 TCN), Hùng Vĩ Vương (1431 - 1332 TCN), Hùng Định Vương (1331 - 1252 TCN), Hùng Hi Vương (1251 - 1162 TCN), Hùng Trinh Vương (1161 - 1055 TCN), Hùng Vũ Vương (1054 - 969 TCN), Hùng Việt Vương (968 - 854 TCN), Hùng Anh Vương (853 - 755 TCN), Hùng Triêu Vương (754 - 661 TCN), Hùng Tạo Vương (660 - 569 TCN), Hùng Nghị Vương: (568 - 409 TCN) và vị vua cuối cùng là Hùng Duệ Vương (408 - 258 TCN).
Ban đầu Kinh Dương Vương đặt quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Xích Quỷ. Hiện nay, có rất nhiều cách lý giải tên gọi này như theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh biên soạn, thì tên gọi này là tên một ngôi sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú trên bầu trời.
Còn trong cuốn Ngọc Phả truyền thư có giải thích rằng chữ "Xích" là màu đỏ ngụ ý phương Nam, Kinh Dương Dương là con trai của Đế Minh (tức Đế vùng phương nam) thấy ba Vương đều là Đế ở ba nơi, nên ghép ba chữ "Vương" này tạo thành chữ "Quỷ". Tên "Xích Quỷ" nêu rõ Vương ở phương Nam, ngụ ý nước Nam đã có chủ.
Dấu ấn rực rỡ thuở hoang sơ của Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân
Kinh Dương Vương tên thật là Lộc Tục, con trai của Đế Minh - cháu ba đời của Thần Nông. Ông được phong làm vua cai quản vùng đất rộng lớn phía Nam từ sông Dương Tử đến Việt Nam ngày nay, lập nên nhà nước Xích Quỷ. Ông cũng được xem là thủy tổ của người Việt.

Trong thời gian trị vì, Kinh Dương Vương đã thực hiện nhiều công cuộc khai hoang, mở mang bờ cõi, tổ chức bộ máy cai trị ổn định và phát triển đời sống dân cư.
Cột mốc quan trọng nhất trong thời gian trị vì của Kinh Dương Vương là việc ông kết hôn với Thần Long - con gái của Động Đình Quân, và sinh ra Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân cũng là người nối ngôi, thụy là Hùng Hiền Vương. Ông rất nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử dân tộc với sự tích cùng vợ là Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam.
Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra rất nhiều người con, trong đó con trai trưởng của ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang, đã có công thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên chính thức của dân tộc, lấy hiệu là Hùng Vương.
Thời điểm này vua Hùng chia ra làm 15 bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là người có công mở mang bờ cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho nhân dân. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn nhận mình chính là dòng giống Tiên Rồng, con Rồng cháu Tiên. Ngoài truyền thuyết “trăm trứng nở trăm con” quen thuộc, Lạc Long Quân còn nổi danh qua nhiều thần tích diệt trừ yêu quái, bảo vệ dân lành.
18 đời vua Hùng cùng những truyền thuyết vang danh sử Việt
Bên cạnh Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân thì còn rất nhiều vị vua Hùng khác, gắn liền với những truyền thuyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Chẳng hạn như đời Vua Hùng thứ 6, Hùng Huy Vương (húy Long Tiên Lang), trị vì từ năm (1712-1632 TCN.) Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, nhà vua muốn truyền ngôi cho con nên tổ chức cuộc thi tìm kiếm món ăn ý nghĩa nhất để chọn người kế vị.
Các hoàng tử dâng lên đủ mọi sơn hào hải vị, chỉ riêng hoàng tử út Tiết Liêu (Lang Liêu), vì mẹ mất sớm, không có ai chỉ dạy nên rất lo lắng. Trong giấc mộng, một vị Thần đã mách bảo rằng gạo là thứ quý giá nhất vì nuôi sống con người. Nghe lời Thần, Tiết Liêu làm hai loại bánh từ gạo nếp: bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Trời. Lá xanh bọc ngoài, nhân trong ruột bánh thể hiện tình thương cha mẹ dành cho con cái.

Vua Hùng sau khi nếm thử thấy bánh ngon, ý nghĩa sâu sắc nên quyết định truyền ngôi cho Tiết Liêu. Từ đó, bánh chưng bánh giầy trở thành lễ vật không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán, thể hiện lòng biết ơn trời đất và tổ tiên.
Tương truyền, vua Hùng Nghị Vương (vị vua thứ 17) có một người con nuôi tên là Mai An Tiêm, được xem là ông tổ nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam. Theo ghi chép, Mai An Tiêm vốn là nô bộc nhưng nhờ tài trí mà được nhà vua yêu mến, nhận làm con nuôi. Sau này, ông được lấy con gái nuôi của Hùng Vương là nàng Ba làm vợ. Tuy nhiên, vì bản tính cương trực và tự lập, Mai An Tiêm thường nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ!” khiến nhiều quan lại ganh ghét, tâu lên vua rằng ông kiêu ngạo, không biết ơn. Vua Hùng nổi giận, đày cả gia đình Mai An Tiêm ra một hòn đảo hoang ngoài biển để tự sinh tồn.
Nhặt được hạt giống, Mai An Tiêm mạnh dạn gieo, chăm sóc giống cây lạ và đã cho ra loại quả là dưa hấu có vị ngọt mát, ăn đỡ khát, khỏe người. Nhờ đó mà Mai An Tiêm được vua tin tưởng, cho trở lại cung đình.

An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm.

Hay truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh gắn liền với thời vua Hùng thứ 18, Hùng Duệ Vương. Khi công chúa Mỵ Nương đến tuổi cập kê, nhà vua mở cuộc thi kén rể giữa Sơn Tinh - vị thần núi và Thủy Tinh - vị thần nước. Câu truyện cổ tích này cũng trở thành bài học quen thuộc đối với mỗi chúng ta.
Theo các nhà nghiên cứu sử học, ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã có lịch sử hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, một cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh với lời nguyền: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".
Hằng năm, người dân Việt Nam tổ chức ngày giỗ tổ không chỉ để tưởng nhớ một vị vua cụ thể nào mà để tri ân toàn bộ các vua Hùng nói chung. Nhiều người dân sẽ dâng lễ, tham quan chiêm bái tại Đền Hùng - di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh (còn có tên gọi khác là núi Cả hay núi Hùng), tọa lạc tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với công lao của các bậc tiền nhân, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam.