10 năm chạy thận do thức khuya, uống nước ngọt, chàng trai trẻ ở Thái Bình đã làm lại cuộc đời từ con số 0

Google News

Mười năm chạy thận nhân tạo. Mười năm đi qua giới hạn của đau đớn, bế tắc, tuyệt vọng… để chàng trai trẻ ngày ấy có thể bước đến hiện tại, sống một cuộc đời mới khỏe mạnh và hạnh phúc. Đó là câu chuyện của Phạm Văn Thế (35 tuổi, quê Thái Bình) - người từng sống hơn một thập kỷ với chiếc máy lọc máu gắn liền ba buổi mỗi tuần.

Bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của anh Phạm Văn Thế từ năm anh 19 tuổi. Phòng chạy thận lặng lẽ như một thế giới khác, nơi thời gian không còn được tính bằng ngày, tháng, mà bằng từng lượt lọc máu. Những vết kim trên cánh tay dày lên theo năm tháng, là minh chứng cho cuộc chiến bền bỉ của chàng trai trẻ trước định mệnh khắc nghiệt.

Khi tuổi trẻ bị đánh cắp bởi bệnh tật

Anh Thế kể, năm 2012, anh làm công nhân tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Những đêm làm việc mệt mỏi, anh tự “tiếp năng lượng” bằng thuốc lá và nước ngọt. Một thời gian sau, thấy mặt tròn hơn, tay chân cũng to ra, anh nghĩ mình tăng cân do hấp thụ tốt, nhưng chẳng thể ngờ cơ thể đang âm thầm gửi đi những tín hiệu cảnh báo.

Mãi đến một sáng tỉnh dậy, nhìn thấy bàn chân sưng to, đôi dép quen thuộc không còn vừa chân, anh mới hốt hoảng nhận ra có điều bất ổn, vội vã đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khám sức khỏe. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm cầu thận kèm hội chứng thận hư.

“Lúc ấy tôi còn trẻ, nghe bác sĩ nói bệnh thận cũng chỉ nghĩ là giống cảm sốt, uống thuốc là khỏi”, anh Thế nói.

Thấy người khỏe lại sau vài toa thuốc, anh lại quay lại guồng quay công việc. Ngày làm, tối thức khuya; thuốc uống lúc nhớ lúc quên; chủ quan, lại thêm bia rượu... tất cả khiến bệnh tình tiến triển xấu. Năm 2015, nhận thấy sức khỏe ngày càng suy yếu, anh quay trở lại bệnh viện. Sau hàng loạt xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận, buộc phải điều trị lọc máu để kéo dài sự sống.

Ngày cầm phiếu chẩn đoán, anh như chết lặng. Cảm giác đầu tiên là bàng hoàng, sau đó là hoang mang tột độ. Anh không nghĩ bệnh của mình lại nặng đến mức phải lọc máu suốt đời.

“Tôi cầm tờ giấy mà đứng không vững. Chỉ biết ngồi thừ ra, nhìn dòng chữ “suy thận mạn” mà không hiểu sao mọi thứ lại thành ra như vậy. Tôi sợ lắm, đầu thì trống rỗng nhưng tim thì rối bời. Tôi còn trẻ, chỉ mới đôi mươi, công việc đang ổn định, tương lai rộng mở, bao dự định còn dang dở… giờ bỗng dưng lại phải đối diện với căn bệnh mãn tính, không biết sẽ đi tiếp thế nào nữa. Lúc đó chỉ nghĩ: Vậy là hết rồi”, anh Thế nhớ lại.

Để có được cuộc sống mới, anh Thế từng vật vã suốt 10 năm chạy thận. (Ảnh: NVCC).

Ngày đó, bố mẹ đưa anh về quê chữa trị. Bắt đầu hành trình chạy thận, anh chính thức làm quen với nhịp sống lệch pha. Bên ngoài bệnh viện là tiếng rao quen thuộc, tiếng còi xe ngược xuôi; còn bên trong là tiếng máy chạy đều đều và ánh mắt lặng im của những con người đang níu giữ cuộc đời từng giờ, từng phút.

Tuần ba buổi, mỗi buổi bốn tiếng, chàng trai trẻ ngồi yên trên ghế, nhìn dòng máu đỏ tươi chảy qua ống dẫn, rồi lặng lẽ chờ máu được lọc xong quay về cơ thể. Những ngày đầu, cơ thể như bị rút cạn sức lực. Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là bạn đồng hành thường trực. Có hôm chạy thận xong, anh nằm lả người trên giường bệnh, không đứng dậy nổi để về nhà.

Song, chạy thận không chỉ là hành trình y khoa, mà còn là cuộc chiến với chính mình và hoàn cảnh. Nhà anh Thế khi đó thuộc diện hộ nghèo, mọi chi phí điều trị đều nhờ vào bảo hiểm và sự chắt chiu từng đồng của gia đình. Cái nghèo lại càng khiến anh cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình. Những buổi chạy thận, những bữa ăn thiếu thốn – tất cả đều là một thử thách lớn đối với anh.

Trong nhà, mọi thứ dường như chỉ xoay quanh việc anh điều trị: từ ăn uống đến chi tiêu. Các em thương anh, có gì tốt cũng nhường hết để anh có đủ sức khỏe tiếp tục cuộc chiến với bệnh tật. Đỉnh điểm là khi hai em nhỏ của anh Thế phải nghỉ học để nhường tiền chữa trị cho anh.

“Tôi thấy mình chẳng khác gì một gánh nặng. Tiền bạc đội nón ra đi, hai em phải nghỉ học, bố mẹ thì héo hon vì lo. Tôi nằm đó, bất lực nhìn cả nhà gồng lên vì mình mà không làm được gì. Nhưng nếu tôi bỏ cuộc, mọi hy sinh của gia đình sẽ trở nên vô nghĩa. Và quan trọng là tôi vẫn muốn sống”, anh Thế ngậm ngùi nói.

Khát vọng được làm lại, được đứng trên đôi chân của chính mình, gỡ bỏ gánh nặng cho gia đình thôi thúc anh rời quê lên thành phố Thái Bình. “Ngày đầu tiên lên thành phố, tôi ngủ ở bến xe. Trong túi còn đúng 2 triệu, không dám ăn tiêu gì vì sáng hôm sau còn phải lo tiền đi chạy thận. Nằm co ro một góc, cả đêm không dám ngủ. May mắn thay, cô lao công ở bến xe thấy tôi, hỏi han rồi quyết định giúp đỡ. Cô xin cho tôi làm nhân viên dọn nhà vệ sinh ở bến xe, tìm giúp chỗ trọ giá rẻ”, anh Thế kể.

Từ đó, lịch trình của anh là những buổi sáng lọc máu, rồi vội vã trở về bến xe làm việc. Những đồng nghiệp ở đó thương anh còn trẻ, góp tiền giúp anh trang trải chi phí chạy thận. Nhưng cuộc sống vẫn khắc nghiệt.

Giành giật sự sống giữa nghịch cảnh

Suốt 8 năm chạy chữa ở thành phố Thái Bình, anh Thế làm đủ nghề: từ lau dọn, xe ôm, đến bất kể việc gì miễn kiếm ra tiền để tiếp tục hành trình chạy thận. Ấy vậy mà số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không có gì dư dả, trong khi cơ thể ngày càng yếu dần, sức lực cũng cạn kiệt theo từng đợt điều trị. 

Khó khăn vật chất tuy nặng nề, nhưng chính những khủng hoảng tinh thần mới là điều khiến anh Thế nhiều lần muốn buông xuôi. Năm 2019, sau bao nỗ lực gồng mình điều trị, anh nhận tin dữ từ bác sĩ: thời gian sống chỉ còn khoảng 3 năm. Tin ấy như gáo nước lạnh dội vào hy vọng mong manh của người thanh niên trẻ. 

Nghĩ đến bố mẹ mỗi ngày một già yếu mà vẫn phải lo lắng cho mình, lại nhìn người khác cùng tuổi đang vui vẻ sống, còn mình chỉ quanh quẩn với bệnh viện, thuốc men và kim tiêm. Ước mơ về một tương lai khỏe mạnh, có công việc ổn định, có gia đình nhỏ, giờ lại trở nên xa xỉ hơn, lòng anh như thắt lại.

“Tôi đã từng không ít lần than thân trách phận. Tự hỏi sao cái bệnh tật lại đến với tôi, nhiều người cũng sống như tôi tại sao người ta vẫn khỏe mạnh tại sao tôi lại phải chịu đựng tất cả những điều này, tại sao tôi không thể có một cuộc sống bình thường như bao người khác. 

Cũng từng nhiều lần nghĩ đến việc kết thúc cuộc sống. Nhưng mỗi lần đứng trên cầu, nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn dưới chân, tôi lại nghĩ về gia đình, rồi nghĩ đến tương lai, nghĩ đến những ước mơ chưa thực hiện, cuộc sống bình yên và hạnh phúc mà tôi vẫn muốn có, tôi lại từ bỏ, quyết tâm phải ghép được thận”, anh Thế trải lòng. 

Đã từng có thời điểm, thân thể anh Thế suy kiệt, gần như không thể đi lại nổi. (Ảnh: NVCC).

Nghĩ là làm, năm 2019, anh Thế quyết tâm lên Hà Nội mang theo hy vọng tìm kiếm một cơ hội điều trị triệt để. “Lúc này cơ thể tôi gần như là suy kiệt hoàn toàn. Đi không nổi, chỉ nằm thôi”, anh nói.

Lên Hà Nội được nửa năm, dịch Covid bùng phát, lệnh giãn cách khiến anh Thế mắc kẹt lại thành phố. Không thể ra ngoài làm việc, anh Thế bắt đầu xoay xở với các công việc online. “Trong khoảng thời gian chạy thận trước đó, tôi cũng dành thời gian mày mò, tìm hiểu và học hỏi về các công việc online. Đến khi dịch bùng nổ, tôi xem đó là cơ hội để bắt đầu nghiêm túc với những gì mình đã chuẩn bị từ trước", anh chia sẻ.

Nửa năm cật lực làm việc, anh Thế kiếm được 1/2 số tiền ghép thận. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành, anh Thế khởi nghiệp, anh đầu tư vào việc dệt và cung cấp dây chun cho những nơi sản xuất khẩu trang, tận dụng nhu cầu lớn của thị trường trong thời kỳ ấy. 

Cùng lúc đó, anh cũng tìm kiếm nguồn thận phù hợp để ghép. Vừa làm, anh Thế vừa tranh thủ các buổi khám, xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe. Đến cuối năm 2021, sau hơn hai năm kiên trì làm việc và tìm kiếm, anh Thế hoàn thành được ước mơ được ghép thận, chính thức bước vào cuộc sống mới đầy hy vọng.

Tái sinh trong cuộc đời mới

Đã ba năm trôi qua kể từ ngày Thế bước ra khỏi phòng phẫu thuật. Ba năm không còn phải đến bệnh viện mỗi tuần ba buổi, không còn những cơn đau vật vã sau mỗi lần lọc máu, không còn những giấc ngủ lửng lơ trong lo sợ. Sức khỏe của anh Thế ở thời điểm hiện tại đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm liên quan đến chức năng thận đều trong phạm vi bình thường, chỉ cần theo dõi sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng thận và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. 

Đi qua những ngày tháng đối diện với nỗi đau bệnh tật, anh Thế hiểu rõ sức khỏe quý giá đến nhường nào. Anh tâm sự: “Tôi từng nghĩ mình còn trẻ, còn khoẻ, có thể ăn uống, sinh hoạt sao cũng được cho đến khi cơ thể bắt đầu gục ngã và tôi buộc phải sống phụ thuộc vào máy móc, thuốc men mỗi ngày.

Sức khỏe không phải là điều hiển nhiên nhưng nó là vốn quý nhất mà mình có. Hãy yêu thương cơ thể mình từ những điều nhỏ nhất: ngủ đủ, ăn lành mạnh, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, và đặc biệt là đừng chủ quan với các dấu hiệu bất thường. Bệnh tật đôi khi đến rất âm thầm”.

Đi qua tháng ngày bệnh tật tồi tệ nhất, anh Thế cảm thấy cuộc sống hiện tại vô cùng quý giá. (Ảnh: NVCC).

Không quên những năm tháng cơ cực, những lần đứng trước ranh giới sinh - tử có gia đình kề bên. Chính vì vậy, khi có thể kiếm tiền, anh Thế dành trọn tâm huyết để báo hiếu cha mẹ, bù đắp cho những năm tháng khi cả nhà phải nhịn ăn để anh có thuốc. “Mình xây được nhà cho ba mẹ, đồng hành cùng các em trong cuộc sống. Từng chút một, mình đang trả ơn cuộc đời”, anh Thế nói.

Cuộc sống mới của anh giống như một bức tranh được vẽ bằng những gam màu ấm áp. Anh học cách sống chậm lại, không còn chạy theo những tham vọng phù phiếm. Với anh, thành công không còn là việc phải đạt được điều gì to lớn, mà là được sống mỗi ngày với lòng tử tế và ý nghĩa.

“Cuộc đời này ngắn lắm, nhưng nếu mình sống hết lòng thì nó vẫn có thể trở nên rất dài và rất đẹp. Giờ đây, khi có một gia đình nhỏ, có vợ bên cạnh và con gái đầu lòng tôi càng thấy cuộc sống này đáng quý biết bao”, anh bộc bạch.

Khi được hỏi điều gì khiến anh vượt qua tất cả, anh Thế chỉ nói một câu: “Vì mình muốn sống”.

Hơn 10 năm mang trong người căn bệnh quái ác, từng nhiều lần tuyệt vọng, giờ đây, anh Thế đã có thể nhìn lại tất cả bằng một nụ cười nhẹ tênh – nụ cười của người đã chiến thắng định mệnh.

AN THANH

Bình luận(0)