Sau thông tin công trình sai phạm ở chùa Hương phản ánh trên Tiền Phong số ra ngày 12/11, các nhà quản lý và chuyên gia văn hóa khẳng định sự sai phạm không thể chối cãi trong xây dựng công trình Hương nghiêm pháp đường tại chùa Hương, cần phải được xử lý theo pháp luật.
|
Công trình kiến trúc lạ đồ sộ mọc ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di tích Thiên Trù. Ảnh: Toan Toan |
Sai phạm lớn
Biên bản làm việc của đại diện Sở VHTT Hà Nội ngày 10/11 chỉ ra sai phạm của công trình Hương nghiêm pháp đường. Còn đại diện của Thanh tra Bộ khẳng định, qua tìm hiểu thông tin từ địa phương bước đầu nhận định ba sai phạm của công trình này: Quy trình sai, BQL di tích thắng cảnh Hương Sơn và Sở VHTT Hà Nội không báo cáo lên Bộ VHTTDL, UBND huyện Mỹ Đức cho phép xây dựng là vượt thẩm quyền.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở ký văn bản ngày 11/11 gửi UBND huyện Mỹ Đức đề nghị UBND huyện Mỹ Đức giao các phòng ban chức năng, cơ quan liên quan báo cáo về việc xây dựng trên gửi về Sở trong tháng 11.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, về nguyên tắc xây dựng được quy định tại Luật Di sản văn hóa bắt buộc phải xin phép, có hồ sơ thỏa thuận với các cơ quan chuyên môn. Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được xếp hạng quốc gia năm 1962, cho nên những công trình tu bổ, tôn tạo, xây dựng đều phải có thỏa thuận với cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể là Bộ VHTTDL.
Công trình nằm bên phải chùa Thiên Trù, thuộc khu vực bảo vệ 1 của di tích-khu vực này vẫn được phép xây dựng những công trình phụ trợ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, những công trình này phải hợp lý, có sự góp ý về mặt kiến trúc nếu thấy những yếu tố không phù hợp. Ông Hùng nhấn mạnh, sai phạm đến đâu, như thế nào cần thẩm định rõ ràng. Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cũng hứa, sau khi có đầy đủ thông tin về việc xây dựng và xin phép của công trình, sẽ xử lý nghiêm theo Luật Di sản văn hóa.
Phải xử lý tương tự như tòa nhà 8B?
Trong khi chờ Sở VHTT lập đoàn công tác đánh giá công trình và mời các chuyên gia xem xét sự ảnh hưởng của nó tới cảnh quan di tích, GS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia bước đầu đưa ra nhận định về công trình này. Biên bản ban đầu của Sở VHTT cho rằng tòa nhà được xây dựng theo đồ hình Mandala (Mật tông). Tuy nhiên, GS Biền cho rằng “họ nói thế cho vui, để che đậy sai phạm chứ đấy có phải Mandala đâu”. Dù chưa tới tận nơi thị sát nhưng GS Biền nhìn qua ảnh và khẳng định không phải kiến trúc Mandala, mà có sự pha tạp. Bức tường bao quanh khu vực này hiện được xây mới, theo lối kiến trúc ngoại lai.
Hương nghiêm pháp đường được dùng làm nhà ăn, nhà khách cho phật tử. GS Trần Lâm Biền nói rằng không thể “chui” vào trong đó mà ăn uống, sinh hoạt bình thường được. “Ai cho phép ngủ trong khu vực 1 của di tích quốc gia? Nếu là nhà khách phải đứng khuất, phải ở những chỗ nào đó chứ không thể như thế được. Có những nhà khách ở khu vực 1, nhưng phải tùy hoàn cảnh của từng di tích”, GS Biền nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Di sản nói rằng, dù các di tích quốc gia có thể được xem xét để xây dựng những công trình phụ trợ, nhưng phải khẳng định chùa Hương là di tích quốc gia nên “phải tôn trọng kiến trúc truyền thống của dân tộc, không thể mang kiến trúc nước ngoài lai tạp về áp dụng”. GS Trần Lâm Biền cũng ủng hộ quan điểm phải giữ gìn truyền thống của tổ tiên, nhất là đặt trong cảnh quan kiến trúc truyền thống của Thiên Trù. Thực tế, dù gác chuông đang được tu sửa tại đây được đem từ nơi khác về, đặt vào di tích gốc bị phá hủy trong chiến tranh, thì nó cũng phải ăn nhập với cảnh quan, kiến trúc truyền thống của ngôi chùa.
“Không cần phải thắc mắc Mandala hay không, chỉ cần biết đây là công trình kiến trúc mới dựng, không phép. Dù là gì đi nữa thì đều phạm pháp. Pháp luật cần được tôn trọng. Tôi nghĩ tòa nhà 8B Lê Trực xử trí như thế nào, chỗ này cũng nên như thế. Không nên xử trí theo lối mắng mỏ vài câu, hết người này đến người kia nhận khuyết điểm rồi thôi. Nếu như thế thì anh em chúng tôi bảo vệ pháp luật, bảo vệ di sản văn hóa là vô ích thôi à”, GS Biền nói