Chiều 26/9, TAND TP.HCM đã tuyên phạt 3 án tử hình, 4 án chung thân và 69 năm tù cho các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II, thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam).
Ba bị cáo bị tuyên án tử hình là Vũ Quốc Hảo (SN 1955, ngụ Q.7, nguyên Tổng giám đốc ALC II), Phạm Minh Tuấn (SN 1958, ngụ Q.10, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải) và Hoàng Lộc (SN 1965, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam - Vivaco).
Trước đó bị cáo Vũ Quốc Hảo từng bị tuyên án tử hình trong “đại án” tham nhũng gây thất thoát của ALC II hơn 530 tỷ đồng nhưng sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy án để điều tra lại.
|
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. |
Bốn bị cáo bị kết án tù chung thân gồm: Lê Phúc Đức (SN 1976, nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Vivaco), Vũ Đức Hòa (SN 1979, nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải) và Lê Thị Minh Huệ (SN 1969, nguyên Kế toán trưởng Cát Long Hải) và Nguyễn Văn Tài (SN 1959, nguyên Phó tổng giám đốc ALC II). Bị cáo Tài bị tuyên mức án cao hơn so với đề nghị của VKS trước đó là từ 18-20 năm tù.
Các bị cáo Phạm Xuân Nghị (SN 1962, nguyên Trưởng phòng cho thuê ALC II) lĩnh 20 năm tù, Đinh Nguyên Tý (SN 1962, nguyên Phó phòng cho thuê ALC II) lĩnh 16 năm tù và Nguyễn Văn Thọ (SN 1980, nguyên Phó phòng cho thuê ALC II) bị 18 năm tù, bị cáo Phùng Văn Đồng (SN 1972, nguyên Phó phòng kinh doanh ALC II) bị 15 năm tù.
|
Ba án tử, 4 án chung thân và 69 năm tù giam đã được TAND tuyên vào chiều 26/9. |
Theo cáo trạng của VKS, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của ALC II, trong thời gian đang giữ chức Tổng giám đốc công ty này, Hảo đã cùng với Phạm Minh Tuấn lập ra Công ty CP Cát Long Hải rồi ký hợp đồng mua bán, thuê tài chính với ALC II.
Hảo quen biết với một đối tác người Nhật Bản tên là Kochi và biết người này có một tàu lặn tên Tinro 2 sản xuất từ năm 1975 đang hoạt động tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hảo liền thỏa thuận với Kochi “góp vốn” tàu Tinro 2 vào Công ty Cát Long Hải và đưa con tàu này ra Hải Phòng.
Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý, chưa đăng ký, đăng kiểm nên Hảo hợp thức hóa con tàu bằng cách cố tình cho hải quan bắt giữ. Đúng như Hảo dự kiến, khi tàu Tinro 2 vừa được vận chuyển ra cảng Cửa Cấm (Hải Phòng) thì bị Cục Hải quan Hải Phòng tạm giữ vào ngày 8/6/2007 vì lí do tàu không có hồ sơ pháp lí.
|
Các bị cáo được đưa về trại giam sau khi phiên tòa kết thúc. |
Ngày 4/7/2007, Cục Hải quan Hải Phòng chuyển hồ sơ cho Sở Tài chính Hải Phòng để xử lý bán tang vật theo quy định. Thông qua một số mối quan hệ, Công ty Cát Long Hải của Hảo đã mua lại tàu Tinro 2 với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo đã nhờ Hoàng Lộc và Lê Phúc Đức (giám định viên Công ty CP giám định thẩm định Việt Nam) định giá con tàu cũ từ 100 triệu đồng thành 130 tỷ đồng. Sau đó, Hảo chỉ đạo cấp dưới của mình ở ALC II lập hợp đồng mua bán, thuê tài chính tài sản là tàu Tinro 2 để giải ngân cho Công ty Cát Long Hải 130 tỷ đồng.
Quá trình xét xử tại tòa sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan và không thừa nhận tội trạng “Tham ô tài sản”. Riêng bị cáo Hảo xin HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo có phạm tội “Tham ô tài sản” hay không? Trong khi bản thân bị cáo, các đồng phạm và gia đình bị cáo, qua các chứng cứ của cơ quan điều tra thì không ai hưởng lợi đồng nào cả. Trong khi cái lợi mang lại là ALC II giải quyết nợ xấu. Các bị cáo còn lại mong muốn HĐXX xem xét lại động cơ, mục đích và vai trò của mình trong vụ án để xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư bảo bào chữa cho bị cáo cho rằng, VKS không có căn cứ quy kết tội “Tham ô tài sản”. Nếu có phạm tội thì bị cáo chỉ có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn vì nể nang bạn bè mà thôi. Các luật sư này đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại.
Tuy nhiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bác toàn bộ lời bào chữa của các vị luật sư và giữ nguyên quan điểm của mình, khi cho rằng trong vụ án này chỉ có 1 hành vi duy nhất và 1 tội danh. Hành vi của các bị cáo trong vụ án này chính là kê khống con tàu từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để rồi tham ô.